In trang

Đọc sách không chỉ bằng mắt
Cập nhật lúc : 08:15 04/02/2016

Có người ví sách giống như tình nhân khó tính, đáng yêu nhưng không dễ chinh phục. Để lĩnh hội các giá trị từ sách, ngoài say mê, trân trọng, cần biết huy động các giác quan, biến vốn của sách thành lãi của mình.

Giá trị lâu bền


 “Cuối năm 2005, cả nước như lên cơn sốt về cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Tôi cũng tìm đọc. Trong tôi trào dâng niềm xúc động, cảm phục trước sự hy sinh và tâm hồn nhân văn của nữ bác sĩ này. Đây trở thành nguồn cảm hứng đặc biệt cho 4 năm sau, tôi làm phim Đừng đốt, xoay quanh cuốn sách để nói lên thông điệp về tình người”. Câu chuyện của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho thấy, một cuốn sách giá trị ngoài đem lại hứng thú, đáp ứng nhu cầu đọc, còn  hướng độc giả đến chân - thiện - mỹ. Theo khẳng định của GS.TSKH M. P. Nhenasep (Nga): “Chỉ sách mới trò chuyện với con người không mang tính chất hình thức mà là một cách tâm tình, khuyên bảo và cung cấp những định hướng cần thiết. Trong sách có những bí mật của đạo đức - quy tắc của lương tâm”.

 

Nhà văn hóa Hữu Ngọc có lần nêu câu hỏi: “Thế kỷ XXI liệu có cần đến thơ nữa không? Đến văn hóa đọc nữa không?”. Rồi ông khẳng định: “Có. Dù cho ca nhạc trữ tình có làm được ít phần việc của thơ ca thì thơ ca vẫn sẽ mãi mãi được người đời ưa chuộng”, cũng như chỉ sách mới có khả năng truyền tải đến người đọc một cách đầy đủ nhất, chân xác nhất tri thức của nhân loại vì “bản thân hình ảnh thì thoảng qua, từ ngữ mới đọng lại lâu bền”. Muốn đem lại giá trị bền vững cho cộng đồng, người dịch sách phải truyền được nội dung và nghệ thuật của bản gốc, viết sách phải hướng về công chúng, trích dẫn có ghi nguồn, trình bày phải có tính thẩm mỹ… Nói tóm lại, sách phải hội tụ đầy đủ các yếu tố: tri thức, tính trung thực và lao động tận tâm.

 

Đánh giá nhiều chiều


Tại tọa đàm Cuốn sách tử tế do CLB Yêu sách Thái Hà tổ chức mới đây, các diễn giả cho rằng, cùng với sự quan tâm dành cho văn hóa đọc, sách đang phát triển mạnh mẽ. Lượng sách lớn, đầu sách đa dạng, thư viện mở ra nhiều, nhiều nhà xuất bản bắt đầu tiệm cận quy chuẩn sách quốc tế… Tuy nhiên, điều đó chưa phản ánh đầy đủ thực trạng chất lượng sách hiện nay. Ông Trịnh Lê Anh, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội nhận định: “Nếu hiểu “tử tế” là hướng đến độc giả, vì độc giả, thì phải thừa nhận môi trường sách hiện nay không ít sách không tử tế. Ngay trong giới nghiên cứu, giảng dạy chúng tôi, dòng sách chuyên khảo, giáo trình còn lo lắm cuốn không tử tế thì nói gì đến sách giải trí, cẩm nang… đầy rẫy trên thị trường”.

 

Những cuốn sách “không tử tế” được cho là xuất bản để đánh bóng tên tuổi tác giả hay chỉ hướng đến lợi nhuận mà xem nhẹ nội dung, hình thức trình bày cẩu thả và chỉ phục vụ thị hiếu nhất thời… Giá trị của cuốn sách cũng tùy thuộc góc nhìn của độc giả, cách họ lựa chọn và tiếp nhận kiến thức. Là người truyền cảm hứng đọc sách qua chương trình Cuốn sách của tôi trên VTV7, biên tập viên Nguyễn Thị Hồng Minh dẫn chứng, có giai đoạn thị trường Việt Nam xuất hiện loạt sách văn học phản ánh những ẩn ức cá nhân, mâu thuẫn, bế tắc trong các mối quan hệ… Trong khi một bộ phận tiếp nhận, một số lại lên án loại sách này gây mất phương hướng xã hội. “Nhưng nhìn lại, người ta thấy sự cần thiết của nó, bởi đó là vấn đề thời sự được điển hình hóa qua văn học, giúp độc giả lý giải thực tế đời sống. Đã từng có những cuốn sách giai đoạn này bị cho là đi ngược chuẩn mực xã hội, sang giai đoạn khác lại trở thành chân lý. Vì vậy, khi lựa chọn sách phải đánh giá ở nhiều góc độ. Độc giả biết nhìn nhận khách quan sẽ hiểu được điều gì ẩn sâu trong câu chữ và giữ được điều giá trị nhất cho mình”.

 

Kết hợp nhiều giác quan


Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, GS. TS. Đinh Xuân Dũng, để thu nhận giá trị, bản thân người đọc trước tiên phải có thái độ tôn trọng, thể hiện ở cách đọc, lĩnh hội kiến thức từ sách. “Ảnh hưởng của công nghệ thông tin, mạng xã hội, internet… đang hạn chế việc đọc. Bên cạnh đó, cũng có không ít người cư xử không đúng với sách. Họ thấy sách khó đọc thì bỏ qua, cho rằng việc đọc chưa bức thiết mà tạm gác, dần dần xa rời sách”. Các loại sách như bách khoa, sách khoa học, khảo cứu… với lượng kiến thức đòi hỏi người đọc sự kiên trì. “Nhà thơ Đỗ Phủ - tác gia thời Đường (Trung Quốc) từng nói Đọc vạn quyển thơ phú, hạ bút mới có thần, tức đọc cả ngàn quyển sách văn thơ thì khi viết mới hay được. Mỗi người phải nghiền ngẫm, nhẫn nại, khi đọc phải kết hợp tất cả giác quan để huy động sức mạnh của sách, biến vốn của sách thành lãi của mình”, GS. TS. Đinh Xuân Dũng nói.

 

Đọc bằng mắt để nắm bắt con chữ, đọc bằng khối óc để lĩnh hội nội dung, nhưng quan trọng hơn là đọc bằng trái tim, nghĩa là dành tình cảm cho sách, hiểu thông điệp từ sách và lan tỏa thông điệp ấy. Như triết gia người Pháp Voltaire từng nói: “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của mọi người”.

 

“Tôi thấy thị trường có không ít sách xuất bản quá dễ dãi, độc giả đọc xong chẳng thu lượm được tri thức gì. Biết rằng, nhu cầu đọc là tự thân, mỗi người phải có trách nhiệm định hướng sách cho mình nhưng chúng ta cũng cần những người hỗ trợ cho việc đọc, là cơ quan quản lý, nhà xuất bản, câu lạc bộ đọc sách... để tạo nên môi trường đọc lành mạnh” - PGS. TS. Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao.

  

Đại biểu nhân dân