In trang
Hội nghị - Hội thảo gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người uy tín của 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người.

Đầu tư phát triển văn hóa 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người
Cập nhật lúc : 08:37 02/10/2015

Sáng 9-2, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người uy tín của 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người gồm: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu.

Hoạt động này nhằm khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vị trí, vai trò, trách nhiệm của già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, tôn vinh các nghệ nhân, già làng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời, tạo điều kiện cho các già làng, trưởng bản, nghệ nhân góp ý, đề xuất với các cơ quan chức năng về những giải pháp phát triển văn hóa dân tộc.

 

Đại biểu đại diện cho dân tộc Si La (Lai Châu), ông Pờ Chàng A cho biết, Si La là dân tộc có dân số ít, cuộc sống tách biệt, đặc biệt là những người dân sống ở vùng thấp nên còn gặp nhiều khó khăn. Ông Pờ Chàng A đề nghị các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc Si La bởi đây là vấn đề quan trọng trong việc duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân nơi đây, nếu không, những loại hình văn hóa của đồng bào Si La có từ bao đời sẽ bị mai một.

 

Đại biểu đoàn Hà Giang đại diện dân tộc Pu Péo kiến nghị Bộ VHTTDL đầu tư vốn để khôi phục các loại hình văn hóa truyền thống của dân tộc này.

 

Theo đánh giá của PGS, TS Lê Ngọc Thắng, Trường Cán bộ quản lý Văn hóa Thể thao và Du lịch, nguy cơ suy giảm dân số của các dân tộc ít người ngày càng gia tăng, lực lượng thanh niên không biết hoặc hiểu rất hời hợt về dân ca, dân vũ của dân tộc mình đang có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, việc đầu tư, phát triển các loại hình văn hóa của 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người là việc làm cần thiết hiện nay.

 

Đại biểu dân tộc Ơ Đu (Nghệ An) cho biết, hiện nay đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, có những em học sinh tốt nghiệp trường cao đẳng nhưng vẫn chưa có việc làm.

 

Theo ông Hoàng Đức Hậu - Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc, Bộ VHTTDL, muốn giữ được bản sắc văn hóa phải kết hợp giữa gia đình và xã hội, gia đình phải truyền dạy cho con cháu mình truyền thống văn hóa, tiếng nói, chữ viết. Điều này không ai có thể làm thay được.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo.

 

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn cho rằng, muốn phát triển văn hóa dân tộc của 5 dân tộc thiểu số có số dân dưới 1.000 người thì vai trò chủ thể quan trọng nhất do chính cộng đồng. Không ai có thể làm thay vai trò của cộng đồng. Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đề nghị thời gian tới, Vụ Văn hóa Dân tộc phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá sưu tầm, phát triển, liệt kê được danh mục các giá trị văn hóa đang bị mai một hoặc mất đi. Từ đó có mục tiêu rõ ràng cho từng loại hình văn hóa. Chính sách phát triển văn hóa dân tộc hiện nay đã rõ, đã cụ thể, nhưng cần phải được triển khai nhanh chóng hơn nữa nếu không triển khai nhanh thì sẽ thành chậm.

 

Trong khuôn khổ chương trình hội nghị, hội thảo, các đại biểu sẽ tham quan Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Các hoạt động sẽ kết thúc vào ngày 10-2.

 

QĐND