Đào tạo nhân lực ngành PR: Thiếu kiến thức thực tiễn
Cập nhật lúc : 09:54 08/01/2016
Sự phát triển nhanh chóng của ngành quan hệ công chúng (PR) những năm gần đây dẫn đến nhu cầu nhân lực lĩnh vực này tăng cao. Tuy nhiên, nhân lực PR ở nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu, do khâu đào tạo thiên về lý thuyết, thiếu gắn kết thực tế.
Chưa chuyên nghiệp
Hiệp hội Quảng cáo ViệtNamthống kê, hiện nước ta có khoảng 7.000 công ty quảng cáo. Nhân lực cho ngành này ít nhất là 70.000 người. Các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức trong ngành truyền thông đang phát triển rầm rộ khiến nhu cầu nguồn nhân lực ngày càng lớn. Nhưng thực tế, để tuyển dụng được những nhân sự PR chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, không dễ. Các công ty đa số phải tuyển dụng người từ những chuyên ngành khác như báo chí, ngoại ngữ, kinh tế và đào tạo khóa ngắn hạn hoặc các học phần nằm trong chương trình đào tạo đại học. Thậm chí có người làm PR mà chưa hề qua khóa đào tạo nào về PR.
Phó Trưởng phòng Truyền thông Công ty Du lịch Vietrantour Phi Thị Thu Khuyên cho rằng, một phần nguyên nhân của tình trạng này là do chúng ta chưa chú trọng đến khâu đào tạo PR. Đơn cử, ở khối các trường đại học công lập trong nước, chỉ Học viện Báo chí và Tuyên truyền có riêng ngành đào tạo quan hệ công chúng và quảng cáo. Số lượng trường dân lập có riêng ngành đào tạo này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì là ngành mới nên chương trình đào tạo cũng đang trong quá trình xây dựng và cải tiến nên chưa thể đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Nhân sự PR đòi hỏi phải hiểu biết về giá trị thương hiệu, chiến lược phát triển, quản trị thương hiệu hiệu quả. Hơn hết, nhân sự PR cần nhạy bén về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội để có khả năng tham vấn chiến lược phát triển thương hiệu, đồng thời giám sát, có biện pháp ứng phó khủng hoảng truyền thông thông minh. Tuy nhiên, số sinh viên chuyên ngành PR sau khi tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu này không nhiều. Giám đốc Học viện Elite PR School TS. Phan Tất Thứ cho rằng, đào tạo PR hiện nay vẫn ở giai đoạn phát triển, chưa thực sự chuyên nghiệp. Các trường đại học đã bắt đầu mở ra những môn học về đào tạo PR, nhưng tiếp cận dưới góc độ quảng cáo hoặc truyền thông, thiên về lý thuyết đơn thuần chứ chưa coi đây là một ngành khoa học. “Trong đào tạo PR, lý thuyết không mang nhiều giá trị lắm, chủ yếu là kiến thức chung chung. Mỗi lĩnh vực lại có yêu cầu khác nhau, như PR trong kinh doanh giúp đẩy mạnh thương hiệu, PR trong nghệ thuật giúp nghệ sĩ xây dựng hình ảnh, hay như trong lĩnh vực chính trị, chúng tôi tiếp cận, hỗ trợ các đại biểu, tổ chức nhà nước biết cách xây dựng hình ảnh với công chúng” - TS. Phan Tất Thứ nói.
Mời chuyên gia tham gia đào tạo
Phó Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour Phi Thị Thu Khuyên cho rằng, để có nhân sự PR đáp ứng yêu cầu thực tiễn, các cơ sở đào tạo cần tổ chức mời chuyên gia PR của các công ty, tập đoàn lớn, có uy tín đến giảng dạy song song với tổ chức các workshop (bài tập ứng dụng) cụ thể với từng trường hợp thương hiệu cụ thể. Giáo trình đào tạo PR cũng rất quan trọng, nên cập nhật dữ liệu, công nghệ, kinh nghiệm thực tiễn mới nhất, vì tính biến động của lĩnh vực nhạy cảm này. Nên có sự thay đổi, tổng hợp và nghiên cứu giáo trình trước khi đưa vào sử dụng.
Đồng quan điểm, theo TS. Phan Tất Thứ, đội ngũ giảng viên hiện nay chưa đáp ứng tính đặc thù của ngành PR là kỹ năng thực tế. “PR từ lý thuyết ra thực tế rất khác. Chẳng hạn các ngành toán, kỹ thuật, sinh viên ra trường có thể đáp ứng 50% công việc, nhưng với PR, sinh viên tốt nghiệp không làm được nhiều việc, đơn thuần là viết một vài thông cáo báo chí. Do đó, bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu thì các trường còn cần có đội ngũ chuyên gia từ nhiều lĩnh vực tham gia đào tạo, như vậy mới đáp ứng nhu cầu xã hội về ngành nghề này”.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS.TS. Trương Ngọc Nam cho biết, nhu cầu nguồn nhân lực truyền thông được đào tạo theo chương trình quốc tế, hiểu biết về tình hình văn hóa, xã hội Việt Nam và khả năng sử dụng tiếng Anh thành thạo là có thật. Nắm bắt xu hướng này, chương trình Cử nhân quốc tế Quan hệ công chúng, Quảng cáo và Truyền thông của Học viện triển khai từ tháng 10 là giải pháp mang tính chiến lược, nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành truyền thông ở Việt Nam hiện nay. Chương trình gồm 12 môn học có tính thực hành và tích hợp cao, được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Toàn bộ nội dung môn học do Đại học Middlesex (Anh) xây dựng và chuyển giao cho Học viện. Học viên có thể điều chỉnh các ví dụ, trường hợp nghiên cứu và một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.
Đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/