In trang

Danh hiệu Gia đình văn hóa: Thiếu thực chất
Cập nhật lúc : 09:20 12/11/2015

Con số 19 triệu Gia đình văn hóa được công nhận trên cả nước khiến xã hội giật mình. Vì sao danh hiệu này nhiều đến thế mà văn hóa vẫn ngày càng xuống cấp? Phải chăng đã đến lúc nhìn nhận lại danh hiệu này một cách nghiêm túc hơn?

Hình thức và thành tích


Thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng việc công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa chỉ là việc làm mang tính hình thức, nhiều gia đình được nhận danh hiệu này cũng “ngơ ngác”. Trao đổi với chúng tôi, ĐBQH Dương Trung Quốc nhận định: “Tôi cho rằng cách đặt vấn đề hay, bởi gia đình là yếu tố chính, là tế bào xã hội, chứa đựng yếu tố truyền thống và phát triển. Tuy nhiên, cách làm nhuốm màu thành tích và bị chủ nghĩa thành tích lôi cuốn. Chính điều đó khiến người dân thờ ơ. Danh hiệu này giống một thủ tục hành chính hơn là một giá trị, phẩm chất để người ta tự hào. Vì vậy, gọi là “hình thức” không sai. Điều này đặt ra câu hỏi giữa hiện thực xã hội với các danh hiệu. Rõ ràng ai cũng thừa nhận, Quốc hội cũng nói tình trạng xã hội không ổn định, đạo đức xã hội xuống cấp, quan hệ xã hội ngày càng bị chi phối bởi các yếu tố tiêu cực”.

 

ĐBQH Dương Trung Quốc trăn trở: “Tôi thấy quan niệm tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ rất đúng. Một người không tu thân được thì sao có gia đình tốt đẹp, một người không điều khiển được gia đình thì sao điều khiển được nhà nước? Chúng ta thấy rất rõ có những người chức cao nhưng lại không có uy tín trong gia đình, không tạo ra được một gia đình gương mẫu, danh gia vọng tộc văn hóa”.

 

Một số ý kiến cho rằng, với tính hình thức hiện nay, danh hiệu Gia đình văn hóa cần được nhìn nhận lại, thậm chí nên dừng lại. Tuy nhiên, ông Dương Trung Quốc bày tỏ: “nên duy trì nhưng cần đi vào bản chất hơn. Lựa chọn chính xác hơn là chỉ số đẹp mà thiếu thực chất. Điều quan trọng là thay đổi bộ máy đánh giá. Khi bộ máy đánh giá chuẩn và đi vào thực chất thì người dân thấy được giá trị thật của danh hiệu đó, họ sẽ phấn đấu thay cho việc đối phó hoặc thờ ơ”.

 

Coi trọng giáo dục trong gia đình


Cũng liên quan đến câu chuyện này, ĐBQH Trần Du Lịch nêu quan điểm: “Theo tôi, truyền thống người Việt là xây dựng tế bào gia đình hạnh phúc. Trước đây, có rất nhiều gia đình “Tứ đại đồng đường” hay “Tam đại đồng đường” nhưng nay càng ngày càng ít. Gia đình là tế bào đề kháng lại các tác động xấu từ xã hội, đặc biệt trong thời điểm hội nhập. Gia đình là cái nôi ban đầu mà ở đó người ta dạy trật tự, tôn ti. Nhưng dường như chúng ta đang coi nhẹ điều đó, trong khi tờ giấy dán lên tường lại “quan trọng” hơn. Tôi nghĩ, quan trọng nhất vẫn là vấn đề giáo dục trong gia đình”.

 

Theo ông Trần Du Lịch, chúng ta đang có quá nhiều Khu phố văn hóa nhưng thực chất lại không có tính chất “văn hóa”. “Người ta thường đưa ra các tiêu chí không xì ke, ma túy; không mất vệ sinh, không nhậu nhẹt… để xét danh diệu Khu phố văn hóa. Điều đó cũng tốt nhưng quan trọng nhất là xây dựng tinh thần sống cộng đồng và giáo dục con cái từ gia đình có tinh thần, thái độ cộng đồng. Tôi học ở nước ngoài nhiều năm, thấy ý thức xây dựng cộng đồng ở ta còn kém trong khi chủ nghĩa cá nhân lại cao. Nhiều công việc ở các nước người ta vận động làm tự nguyện thì ở ta có thù lao mới làm. Ở các nước, học sinh học giỏi cỡ nào đi chăng nữa mà không tham gia hoạt động cộng đồng thì không bao giờ được ưu tiên cấp học bổng”.

 

Về danh hiệu Gia đình văn hóa hay Khu phố văn hóa, ông Trần Du Lịch cũng đồng ý, không nên chạy theo hình thức và cần nhìn nhận lại cách đánh giá. Thay đổi bắt đầu từ cách nhìn nhận ở khía cạnh giáo dục trong gia đình, nhất là giáo dục con trẻ. Việc xây dựng Gia đình văn hóa cần gắn giáo dục trẻ em giữa gia đình và học đường. Vấn đề này liên quan đến xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, thậm chí từ mẫu giáo, chứ không đơn thuần là công việc của chính quyền hay đoàn thể. “Tôi cho rằng cần nhìn lại thực tế, bắt đầu từ giáo dục. Việc xây dựng chế tài nghiêm cũng là một cách để xã hội nền nếp hơn”.

 

Đại biểu nhân dân