In trang
Sinh viên Khoa Quốc tế, ĐHQG Hà Nội trong lễ tốt nghiệp

Đã tự chủ, phải kiểm định chất lượng
Cập nhật lúc : 09:20 03/05/2016

“Khi các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ nhiều hơn thì kiểm định chất lượng chính là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước cũng như xã hội giám sát”. Đó là khẳng định của PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn - Phó giám đốc Thường trực ĐHQG Hà Nội - đơn vị tiên phong trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục của cả nước.

Một trong những vấn đề nóng tại Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập là vấn đề tự chủ và kiểm định chất lượng. Kiểm định chất lượng được coi là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học giải trình với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo. Kết quả kiểm định được sử dụng để xác định vị thế và uy tín của cơ sở giáo dục đại học… Luật Giáo dục đại học cũng dành hẳn một chương quy định về bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Vậy tại sao các cơ sở giáo dục đại học vẫn chần chừ?

 

Công cụ quản lý chất lượng


PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn - Phó giám đốc Thường trực ĐHQG Hà Nội cho rằng, kiểm định chất lượng là lý tính hóa trong việc nhìn nhận về một thực thể giáo dục với các tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, chỉ ra được chỗ tốt, chỗ chưa tốt. Giống như khám bệnh, mỗi lần tự đánh giá sẽ biết chỗ hổng của từng ngành, từ đó tăng cường đầu tư; đồng thời phát huy những mặt tích cực.

 

Chính bởi nhận thức được tầm quan trọng của kiểm định chất lượng như vậy mà không đợi quy định của Luật Giáo dục đại học, cũng không chờ chỉ đạo từ Bộ Giáo dục - Đào tạo, từ những năm 1990, ĐHQG Hà Nội đã phấn đấu cho mô hình tự chủ ĐH theo thông lệ quốc tế, chuẩn bị các điều kiện để triển khai kiểm định chất lượng giáo dục. ĐHQG Hà Nội đã chuẩn bị nhiều yếu tố, không chỉ cho mình mà cho cả ngành, như: Nghiên cứu khoa học về đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục; đào tạo chuyên gia, kiểm định viên; khởi thảo xây dựng các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá, và cả việc thành lập Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo và Nghiên cứu phát triển giáo dục - tiền thân của Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục ngày nay. Có thể khẳng định, văn hóa kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam bắt đầu từ ĐHQG Hà Nội.

 

Năm 2015, có 6 trường ĐH thành viên của ĐHQG Hà Nội đã đăng ký kiểm định chất lượng đơn vị, trong đó Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn được đánh giá ngoài vào tháng 12.2015, 4 trường còn lại đăng ký kiểm định theo tiêu chuẩn của Bộ GD - ĐT là Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Giáo dục sẽ được hoàn thành đánh giá ngoài trong tháng 3 - 4 năm nay. Riêng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đăng ký kiểm định chất lượng đơn vị theo tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á (AUN) sẽ được thực hiện vào tháng 10 tới. ĐHQG Hà Nội cũng là đơn vị tiên phong trong cả nước thực hiện kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn của AUN. Đầu tiên là chương trình CNTT của Trường ĐH Công nghệ (năm 2010) được cấp chứng chỉ, sau đó có các cơ sở giáo dục khác của Việt Nam cũng tham gia. Đến nay, ĐHQG Hà Nội có 15 chương trình được cấp chứng chỉ theo bộ tiêu chuẩn của AUN.

 

“Khi tự chủ ĐH ngày càng lớn, một trong những việc quan trọng là đẩy mạnh kiểm định chất lượng. Bởi đi cùng với tăng cường tự chủ là tăng cường giám sát, giải trình với xã hội, quản lý nhà nước theo mô hình mới, đó là quản lý chất lượng thông qua hoạt động kiểm định. Quyền tự chủ nhiều hay ít là do chính năng lực của đơn vị ấy, được chỉ ra thông qua kiểm định chất lượng. Các trường ĐH phải dần coi kiểm định là nhu cầu tự thân, một phần trong hoạt động” - PGS. TS. Nguyễn Kim Sơn nói.

 

Chế tài “hậu kiểm định”


Thế nhưng, không phải cơ sở giáo dục đại học nào cũng ý thức được rằng, kiểm định chất lượng là cơ hội tự đánh giá, điều chỉnh những thiếu sót trong hệ thống quản lý để đạt được các tiêu chí phù hợp với mục tiêu phát triển của mình, từ đó nâng cao chất lượng để thỏa mãn sự hài lòng của người học. Vì vậy, trong số hơn 400 cơ sở đào tạo đại học trên cả nước, mới chỉ có 36 trường đăng ký kiểm định chất lượng. Theo PGS. TS. Nguyễn Quý Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội (VNU-CEA), mấu chốt vấn đề là sau khi kiểm định các trường có chịu chế tài gì không?

 

PGS. TS. Nguyễn Quý Thanh ví các cơ quan kiểm định hiện nay như “hổ không răng”, được đánh giá, ra phán quyết nhưng không được quyền đóng cửa nếu chương trình không bảo đảm chất lượng. Các trường không bị sức ép nên tốc độ đăng ký kiểm định chậm. “Cần có chế tài cụ thể đối với kiểm định chất lượng giáo dục. Muốn tự chủ cao thì phải được kiểm định, đi kèm là các quyền lợi liên quan. Nếu không đạt thì bị xử lý như thế nào, có phải đóng cửa không? Nếu đạt thì họ sẽ được lợi gì, tăng suất đầu tư hay tăng chỉ tiêu tuyển sinh? Các trường không được kiểm định thì phải có khuyến cáo về sinh viên tốt nghiệp trường đó, để doanh nghiệp sử dụng lao động biết” - PGS. TS. Nguyễn Quý Thanh đề xuất.

 

Theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga đã hứa sẽ yêu cầu các cơ sở giáo dục công bố kết quả kiểm định chất lượng trên mạng; đồng thời có chế tài hậu kiểm định. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn, với đội ngũ nhân lực hiện có, 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay có đủ khả năng để kiểm định tất cả các cơ sở giáo dục đại học trong thời gian quy định không? Về vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Quý Thanh khẳng định, “hoàn toàn có thể làm được”. Tính đến đầu năm 2016, riêng Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội đã tổ chức được 10 khóa đào tạo kiểm định viên với số học viên tham dự là 385 người, trong đó 109 người đã được cấp thẻ hành nghề kiểm định viên. Ngoài ra còn có các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh, ĐH Đà Nẵng và Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ViệtNam. Vì vậy, chỉ cần các trường nhận thức được tầm quan trọng của kiểm định chất lượng và có áp lực phải thực hiện, còn không lo thiếu kiểm định viên.

 

Mặc dù Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục đặt tại ĐHQG Hà Nội nhưng Trung tâm không được đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục cho các chương trình đào tạo và các cơ sở đào tạo của ĐHQG Hà Nội. Điều này cho thấy tính độc lập, khách quan trong hoạt động của Trung tâm cũng như hoạt động đánh giá, kiểm định, không có chuyện “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.


Đại biểu nhân dân