In trang
Ảnh: Minh Đức

Cộng đồng với di sản
Cập nhật lúc : 10:06 02/04/2016

Cộng đồng cư dân bao giờ cũng được đánh giá cao với tư cách chủ thể sáng tạo, chủ sở hữu, người thực hành, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Bởi di sản văn hóa sống trong cộng đồng, bên cạnh cộng đồng, họ là người dựng lên, sử dụng và phải bảo vệ nó, không cơ quan nào có thể làm thay.

Từ sức lan tỏa của đền Hùng


Ở ViệtNam, từ xưa đến nay, cộng đồng với vai trò chủ thể của các di sản văn hóa luôn được phát huy. Cộng đồng ở các làng xã, nơi có đình, đền, chùa, miếu được xếp hạng di tích, thì nhân dân bảo vệ là chính. Ví dụ cụ thể nhất về việc cộng đồng chung tay bảo vệ di sản là đền Hùng ở Phú Thọ. Ban đầu, đền Hùng chỉ thờ sơn thần thổ địa, thần núi, thần mặt trời, thần lúa của cư dân xung quanh đó, nhưng sau này lại trở thành ngôi đền có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, từ lễ hội của một làng thành lễ hội của một vùng và cả nước. Từ thời Lý, Lê, Nguyễn, triều đình đã ra sắc phong, cấp đất, miễn phu phen tạp dịch cho cộng đồng để họ duy trì, phát huy giá trị của đền Hùng; đồng thời quy định năm chẵn thì vua phải đến tế, nếu không, ủy nhiệm cho người khác.

 

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, xếp hạng đền Hùng là di tích cấp quốc gia năm 1962, và có nhiều dự án đầu tư tôn tạo. Chương trình mục tiêu quốc gia cũng đầu tư vào đó hàng trăm tỷ đồng. Chúng ta cũng đã xây dựng hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đề nghị và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013. Quốc hội cũng cho phép ngày Giỗ Tổ 10.3 (âm lịch) là Quốc lễ, người lao động cả nước được nghỉ làm. Những năm chẵn, lãnh đạo Đảng và Nhà nước hoặc lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ lễ, năm lẻ thì lãnh đạo tỉnh Phú Thọ sẽ thay mặt thực hiện…

 

Từ lễ dâng hương giỗ Tổ ở đền Hùng, Phú Thọ, bây giờ Huế cũng có đền Hùng, bên cạnh thờ tổ tiên nhà Nguyễn; TP Hồ Chí Minh có khu tưởng niệm vua Hùng trong khu công viên lịch sử - văn hóa Thảo Cầm Viên, có 2 không gian tổ chức ngày giỗ Tổ là Khu văn hóa Đầm Sen và Khu du lịch Suối Tiên. Trong khu du lịch thác Prenn ở Lâm Đồng cũng có núi Phượng Hoàng mô phỏng đền Hùng ở Phú Thọ, có đền Hạ, đền Trung, đền Thượng. Đây là hiện tượng văn hóa độc đáo, cả nước có một vị tổ khai sáng, tôn vinh là vua Hùng, có đền thờ khắp cả nước.

 

Đó là bài học rất rõ về vai trò của cộng đồng và sức lan tỏa của di sản văn hóa. Sức lan tỏa ấy nhờ chính quyền từ thời phong kiến và cả ngày nay, thông qua các hoạt động, truyền thuyết, sắc phong, thần phả, nghi thức để thực hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn, xây dựng ý thức cội nguồn, tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Bây giờ nhu cầu liên kết cộng đồng tạo ra sức mạnh tổng hợp cả quốc gia, dân tộc, để xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, bảo vệ lãnh thổ, chủ quyền, độc lập quốc gia, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bên cạnh đó còn nhiệm vụ giao lưu văn hóa, đưa hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài và học tập, chọn lọc tinh hoa của nhân loại, sáng tạo văn hóa mới làm cho kho tàng di sản văn hóa phong phú hơn. Những nhiệm vụ chiến lược ấy có nhiều ngành làm, nhưng với văn hóa là làm cho các di tích lịch sử, văn hóa liên quan đến hoạt động văn hóa tín ngưỡng cắm rễ sâu trong đời sống văn hóa cộng đồng, để cộng đồng tham gia, gìn giữ và lan tỏa, như trường hợp đền Hùng ở Phú Thọ



Cố kết cộng đồng, kết nối thế hệ


Với cộng đồng, nhu cầu tìm kiếm sự bảo hộ, tìm sợi dây liên kết giữa người đã khuất và người đang sống mới quan trọng. Có một thời gian chúng ta chống mê tín dị đoan, cấm lễ hội, phá đình đền… ảnh hưởng đến nhu cầu tâm linh, kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, kết nối thế hệ người đã khuất với người sống… Hãy trả lại cái đó, kết hợp với tu bổ tôn tạo, di tích lớn, cả môi trường cảnh quan sinh thái, môi trường kiến trúc, môi trường xã hội, để di sản ấy thực sự trở thành sản phẩm du lịch có sức hút.

 

Trong quá trình phát triển du lịch tại các khu di sản, phải tôn trọng, đề cao vai trò của cộng đồng. Cộng đồng phải được tham gia, tạo ra các dịch vụ, biết tham gia quản lý những dự án du lịch nhỏ có thể tạo ra nguồn thu, tạo thành sinh kế. Huế, Hội An, Hạ Long, Mỹ Sơn đã làm rất tốt điều này, nhưng cũng chỉ là kết hợp. Mục tiêu quan trọng mà đền Hùng được giữ là tạo nên sức cố kết cộng đồng, hòa hợp dân tộc, tôn tinh thần Đại Việt, giữ toàn vẹn lãnh thổ. Di sản cha ông để lại quan trọng nhất là lãnh thổ từ Móng Cái đến mũi Cà Mau. Đó chính là không gian sinh tồn, trong không gian ấy bao chứa nhiều di sản văn hóa nữa.

 

Tất nhiên, kết hợp phát triển du lịch tại các khu di sản, mang lại sinh kế, lợi ích vật chất cho cộng đồng cũng cần được quan tâm, mặc dù không phải ưu tiên hàng đầu. Với những di sản này, Nhà nước phải có cơ chế. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành du lịch, khi thực hiện các tour du lịch cũng phải nghĩ đến việc giáo dục cộng đồng, khách du lịch tôn trọng di sản, gợi mở cho cộng đồng địa phương những dịch vụ du lịch có thể được thực hiện để tạo ra nguồn thu, sinh kế. Nếu chưa bảo tồn di sản, chưa nghĩ đến chức năng xã hội, mà đã nghĩ đến kinh tế tức là đã thị trường hóa, chỉ làm hỏng di sản.

 

Nhà nước và nhân dân cùng làm


Muốn huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện chủ trương xã hội hóa bảo tồn di sản, Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước phải đi trước. Nhà nước phải tạo lập cơ chế chính sách và đầu tư nguồn lực vào hoạt động bảo tồn di sản, tạo cú hích để huy động xã hội đóng góp. Bằng chứng rõ nét là chương trình mục tiêu quốc gia về chống xuống cấp, tôn tạo di tích. Trước khi có chương trình này, khả năng huy động nguồn lực kinh tế rất thấp, sau đó, khả năng huy động lớn hơn nhiều, thậm chí có di tích Nhà nước chỉ đầu tư rất ít, mấy chục triệu đến mấy trăm triệu đồng, còn cộng đồng đóng góp lên tới hàng tỷ đồng. Thứ hai, Nhà nước cũng phải có cơ chế, chính sách. Đình, đền, chùa ngày xưa kèm theo sắc phong thì giao ruộng cho cộng đồng xung quanh, hoặc miễn phu phen tạp dịch, hoa lợi thu được để đưa vào duy tu bảo dưỡng. Bây giờ chúng ta cũng phải theo cách như vậy.

 

Tuy nhiên, Nhà nước, trong chủ trương xã hội hóa, không bao giờ được có tư duy khoán trắng cho cộng đồng. Ngược lại, cộng đồng không được ỷ lại vào Nhà nước. Bên cạnh đó, khi có các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo, phải thông báo cho cộng đồng. Bởi cộng đồng là người nhận diện giá trị, quyết định ứng xử với di sản, giám sát việc thi công, cuối cùng sẽ sử dụng công trình ấy để thực hiện chức năng xã hội.

Năm 2014, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ra mắt Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam. Tuy nguồn lực huy động chưa được nhiều, nhưng Quỹ đã kết hợp với Quỹ Văn hóa Hà Nội, một số quỹ tư nhân, các cơ quan như Bảo tàng Hà Nội để làm đúng mục tiêu là đưa di sản văn hóa đến với cộng đồng, liên kết cộng đồng. Chẳng hạn, Quỹ kết hợp với công ty truyền thông tổ chức cho các doanh nhân về dâng hương báo công ở đền Trần, Nam Định; nghe nói chuyện về ý nghĩa, giá trị văn hóa lịch sử đền Trần, tuyên truyền về tấm gương tài năng đạo đức của đức Thánh Trần, khuyến khích họ ngoài làm giàu thì phải thực hiện trách nhiệm xã hội, đóng góp vào nơi họ tới. Đó cũng là một hình thức hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa.

 

Đại biểu nhân dân