Chương trình tiếng Anh cấp phổ thông: Nghịch lý giữa thi cử và thực tế
Cập nhật lúc : 07:44 07/09/2016
Theo phổ điểm mà Bộ GD - ĐT công bố, trong tổng số 472.000 bài thi môn tiếng Anh có 10 bài đạt điểm 10, số bài đạt trong khoảng 9 - 10 chiếm 0,52%. Điểm bài thi môn Ngoại ngữ khá thấp, tập trung trong khoảng 2 - 4. Tỷ lệ thí sinh đạt điểm 2,40 chiếm cao nhất. Tại sao điểm thi trung bình của thí sinh lại thấp như vậy?
Điểm trung bình chưa đến 3,48 điểm
Theo thống kê dựa trên dữ liệu điểm thi của Bộ GD - ĐT, điểm trung bình môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua đạt 3,48 điểm. Số bài đạt điểm 2,40 điểm là nhiều nhất. Số bài đạt điểm 9 - 10 lại rất thấp, chỉ chiếm 0,52%.
Tại sao điểm số môn tiếng Anh lại thấp như vậy? Nhiều ý kiến cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Có thể do đề thi THPT môn Ngoại ngữ năm 2016 quá khó, không phân loại được năng lực của các thí sinh hoặc năng lực ngoại ngữ của thí sinh rất yếu.
Phải thừa nhận rằng chương trình học tiếng Anh tại cấp phổ thông có nhược điểm là nặng về ngữ pháp mà không chú trọng đến nghe, nói. Tuy nhiên, trong bài thi tiếng Anh lại thường chỉ thi về ngữ pháp, trắc nghiệm, vì thế nên học sinh học Ngoại ngữ là để phục vụ thi cử. Nhiều giáo viên dạy tiếng Anh thừa nhận chỉ cần học sinh học tốt ngữ pháp trong chương trình phổ thông sẽ thi được. Song, việc đạt điểm số cao trong kỳ thi lại không phục vụ cho việc sử dụng ngoại ngữ trong đời sống hàng ngày.
Hội đồng Anh đã từng đánh giá trình độ tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế trong số 20 nước được khảo sát, học sinh Việt Nam xếp thứ 8/20 về khả năng viết và đọc, nhưng lại xếp thứ 18 - 19/20 về khả năng nghe nói.
Chương trình học tiếng Anh chỉ để phục vụ thi cử
Theo chị Nguyễn Thị Bình, giáo viên dạy tiếng Anh trường THPT Olympic (ở Từ Sơn, Bắc Ninh), bản thân nhiều giáo viên nghe đã không tốt nên không thể dạy tốt học sinh về nghe, nói. Thực tế, nhiều học sinh giỏi về ngữ pháp nhưng nghe nói không giỏi thì không xin được việc làm, bởi việc giỏi ngữ pháp chỉ để đi thi. Vì vậy, chương trình học tiếng Anh của ViệtNamcấp phổ thông là phục vụ cho ngữ pháp và thi cử. Cũng chính bởi nghe và nói không cần thiết trong việc thi cử, nên nghe và nói không có trong phần thi, nghe nói chỉ phục vụ cho việc đi làm.
Cô Đinh Đại Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngôi Sao Hà Nội (Trung Hòa, Nhân Chính) nhận xét, nếu học sinh học theo đúng chương trình sách giáo khoa (SGK) hiện nay thì học sinh đạt phổ điểm này là chính xác. Bởi vì đề thi nếu theo chương trình học, thời gian thi và điểm số của nước ta thì học sinh cũng chỉ làm được 3 điểm thôi, đề thi hoàn toàn là từ vựng, vốn từ vựng, ngữ pháp, kiến thức vượt xa rất nhiều so với chương trình học trong SGK. Học sinh để học mà thi được thì phải học thêm rất nhiều. Chương trình tiếng Anh trong SGK chỉ đáp ứng được kiến thức cơ bản, nó giống như sách tiếng Việt lớp 6, còn đến lớp 12 để thi được vào ĐH thì học sinh phải học thêm 6 cấp lớp nữa mới đủ trình độ đi thi.
Nhiều giáo viên dạy Ngoại ngữ lý giải rằng, phổ điểm ngoại ngữ thấp là bởi vì ở những vùng nông thôn, các con không đủ điều kiện để học thêm, học cao hơn. Còn các thầy, cô ở những vùng nông thôn cũng không có đủ điều kiện để tiếp xúc, để nâng cao trình độ chuyên môn. Vì thế các con chỉ nắm được kiến thức đến một giới hạn nào đó nên điểm kém, dù với những môn khác, điểm các con rất cao do các con học rất chăm chỉ và chuẩn SGK, còn Ngoại ngữ dù học rất chăm theo SGK nhưng kiến thức lại không đủ để thi.
Nhiều ý kiến cho rằng, do cách dạy của giáo viên nhàm chán khiến học sinh không có hứng thú học tập. Tuy nhiên điều này chưa hẳn đã đúng, bởi cải thiện cách dạy còn phải liên quan đến thi cử và chương trình học. Bản thân nhiều giáo viên ngoại ngữ, rất muốn giờ học thú vị, nhưng để thú vị được thì phải giao tiếp nhiều, tổ chức các hoạt động trong lớp cho học sinh... Nếu dạy như thế thì không theo kịp chương trình SGK và không đáp ứng được việc thi cử. Bởi thi cử hiện nay cần lượng kiến thức rất nhiều về ngữ pháp, từ vựng mà cứ vừa chơi vừa học thì học sinh sẽ thất bại trong việc thi. Phụ huynh và học sinh đánh giá chất lượng của cô giáo bằng kết quả thi của học sinh chứ không đánh giá bằng việc ở lớp giáo viên dạy hay hay dở.
Thay đổi chương trình học
Cấu trúc đề thi tiếng Anh hiện nay chỉ có trắc nghiệm và ngữ pháp, không cần phải nghe và nói vẫn thi được. Cô Đinh Đại Ngọc chia sẻ: “Mong muốn của mình là trường sẽ chia level của học sinh ra, kể cả học sinh lớp 10, 11 hay 12… đã dạy ngoại ngữ thì nên dạy theo level. Ví dụ như học sinh ở level nào sẽ vào lớp đó, trong quá trình từ lớp 10 đến lớp 12, học sinh có thể tham gia kỳ thi của chuẩn châu Âu hay IL… trong 3 cấp học như vậy học sinh thi được lúc nào thì thi lúc đó chứ không bắt buộc đến lớp 12. Theo ý mình thì nên bỏ kỳ thi đại học mà nên lấy chương trình chuẩn châuÂu,IL… làm chuẩn quy định. Nếu học sinh đạt chương trình này sẽ được nhận vào trường này, trường kia… Như thế giáo viên không cần thiết phải theo bộ SGK cũ và biên soạn rất là ViệtNamnhư vậy. Đã học Ngoại ngữ thì phải học theo chuẩn nước ngoài, không thể học ngoại ngữ theo chuẩn Việt Nam được. Học những chương trình nước ngoài thì học sinh sẽ đạt chuẩn được 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, còn học theo chương trình SGK ViệtNamthì học sinh chỉ học được về trắc nghiệm, ngữ pháp, còn giao tiếp thì rất kém. Có những bạn được 8, 9 điểm thi Ngoại ngữ nhưng khi giao tiếp với người nước ngoài cũng không trò chuyện được. Vì các bạn học chỉ tập trung vào thi chứ không phải học để dùng ngôn ngữ đó. Mà trong khi dạy Ngoại ngữ là hướng học sinh dùng ngôn ngữ chứ không phải hướng học sinh tới cuộc thi rồi sau đó học sinh không dùng được cái gì ngoài cái kỹ xảo và tiểu xảo làm bài”.
Nhiều ý kiến cho rằng, để việc dạy học đạt hiệu quả trước hết phải thay đổi chương trình học, cách ra đề thi để từ đó thay đổi cách dạy. Điều quan trọng là trong cuộc sống học sinh có thể vận dụng được kiến thức đó. Bên cạnh đó, ngành giáo dục nên chú trọng rèn luyện học sinh ngay từ các cấp học nhỏ.
Đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/