Chuẩn phải được quốc tế công nhận
Cập nhật lúc : 08:15 09/01/2016
Lộ trình Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 có mục tiêu chính là nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân. Song song với tiếng Anh, Bộ GD - ĐT thí điểm dạy tiếng Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp ngữ… như ngoại ngữ thứ nhất. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, dù là học ngoại ngữ nào, vẫn cần bảo đảm chất lượng đầu ra.
TS. Nguyễn Minh Trí, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Quảng Ngãi dẫn chứng tỉnh Quảng Ngãi hiện có 80% giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn nhưng chuẩn này có phản ánh đúng thực chất hay không là câu hỏi lớn. “Anh em vẫn đùa với nhau là “Đạt chuẩn một cách chưa chuẩn”. Nếu không thay đổi phù hợp thì đến năm 2020, chúng ta sẽ có một bản thành tích 100% giáo viên đạt chuẩn”.
Qua khảo sát, năng lực chuyên môn của giáo viên tiếng Anh hiện nay còn rất yếu ở tất cả các kỹ năng. Trong công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn để đạt chuẩn, các đơn vị chưa thật sự chủ động vào cuộc. “Khi đã xây dựng được chuẩn khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc rồi thì phải được công nhận quốc tế, nếu không dễ rơi vào tình trạng “mình tự chấm điểm cho mình và chấm đạt chuẩn hết”- ông Trí nói.
Đồng tình với ý kiến trên, TS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD - ĐT Thừa Thiên - Huế cho rằng: “Chuẩn phải được công nhận quốc tế, chứ chúng ta tự đề ra chuẩn rồi tự xét duyệt thì không giải quyết được bất cập. Đặc biệt, khuyến khích giáo viên tự học đạt chuẩn, sau đó ưu tiên các giáo viên đạt chuẩn này vào những vị trí phù hợp, có chế độ đãi ngộ hợp lý để khuyến khích toàn ngành. Ngoài ra, các chứng chỉ quốc tế cũng chỉ có giá trị khoảng 2 năm, nên chúng ta cũng quy định việc giáo viên cập nhật chứng chỉ”.
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Bến Tre cho rằng không nên quy định chuẩn ngoại ngữ chung nhất cho giáo viên và học sinh cho từng các cấp học, vì ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa thì khó đạt chuẩn bậc 1 trong khi ở thành phố thì rất dễ. Học ngoại ngữ là quá trình lâu dài, nên ở thành phố, có thể nâng chuẩn hơn so với nông thôn.
|
Dạy đến đâu, được đến đấy
Việc dạy ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh đã được thực hiện tại Việt Nam trong thời gian dài, tuy nhiên, học sinh chỉ học mà không biết cách dùng, nhiều người không sử dụng được tiếng Anh trong công việc, giao tiếp. Theo GS. Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Ngoại ngữ cần được đào tạo theo đúng như ngày xưa, khi học phải sử dụng hoàn toàn bằng ngoại ngữ. Vậy nên, thời Pháp thuộc, người tốt nghiệp tú tài thì tiếng Pháp đã như người bản quốc. Do đó, ngoài trình độ giáo viên, lựa chọn chương trình và phương pháp giảng dạy là yếu tố quyết định.
Ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Hải Phòng đề xuất: “Chúng ta đang thực hiện lộ trình viết bộ sách giáo khoa mới, nên việc viết sách và chương trình của môn tiếng Anh phải bảo đảm sự liên thông và đạt chuẩn kiến thức. Đề án đặt ra 4 kỹ năng là nghe - nói - đọc - viết, nhưng hiện nay trong các trường chủ yếu là dạy đọc và viết, nghe và nói ít. Cần đưa ra một giáo trình sách giáo khoa phổ thông và lộ trình đạt được ở từng lớp và sau 12 năm để không lãng phí. Vào đại học, cao đẳng thì đi sâu vào ngôn ngữ chuyên ngành. Để làm được điều đó cần xác định lộ trình và cách làm. Tôi nghĩ trong 4 kỹ năng thì nghe và nói phải đặt trước, viết đọc đi sau, giống như trẻ con ở ta chưa đến lớp đã có thể nghe và nói được. Phải xác định dạy đến đâu, được đến đấy”.
Bên cạnh đó, theo TS. Trần Xuân Thảo, Đại học Tôn Đức Thắng, phổ cập tiếng Anh là cần thiết và cấp bách, cần phải tăng cường xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và điều kiện phục vụ phổ cập tiếng Anh hiện nay. Bên cạnh việc tổ chức lại và nâng cao chất lượng hệ thống dạy - học ngoại ngữ chính quy, có thể cho phép học sinh chọn học ngoại ngữ ở ngoài trường trên cơ sở tự nguyện, miễn là các em đáp ứng được yêu cầu về đầu ra. TS. Nguyễn Văn Huấn góp ý: Hiện nay, các trung tâm ngoại ngữ được thành lập nhiều, một mặt phải bảo đảm các trung tâm này phản ánh đúng năng lực; bên cạnh đó, cần có cơ chế phối hợp với các cơ sở giáo dục, phối hợp để tận dụng chương trình quốc tế để cùng ngành giáo dục hoàn thành mục tiêu của đề án.
Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đưa ra lộ trình thực hiện phổ cập giáo dục tiếng Anh các cấp học, tiến tới đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo GS.TS. Nguyễn Văn Khang, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng phổ cập Tiếng Anh là cần thiết trong quá trình hội nhập nhưng cần xem xét Tiếng Việt trong áp lực của tiếng Anh: “Trước đây chỉ coi tiếng Anh là ngoại ngữ, nhưng sắp tới tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2, khi “cơn đại hồng thủy” tiếng Anh diễn ra quá mạnh mà không có quy định cụ thể sẽ làm giảm vị thế của tiếng Việt. Điều này cần cẩn trọng, bởi nhiều quốc gia cũng đang phải xem xét lại”.
Đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/