In trang
Việt Nam đang đóng giữ và quản lý 21 vị trí tại quần đảo Trường Sa Ảnh: Thái Bình

Chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa: Bài 2: Luôn là một phần của Việt Nam!
Cập nhật lúc : 08:05 07/04/2016

Khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, quân đội Quốc gia Việt Nam, về sau là Việt Nam Cộng hòa rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đã ra tiếp quản, cắm bia chủ quyền, dựng cờ, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…

>> Bài 1: Chiếm hữu và thực thi chủ quyền


Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng


Tháng 4.1956, khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, quân đội Quốc gia Việt Nam, về sau là Việt Nam Cộng hòa, đã ra tiếp quản nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Trước những hành động xâm chiếm một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Trung Quốc và Philippines tiến hành vào thời điểm giao thời này, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối: Ngày 24.5 và ngày 8.6.1956, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa ra Thông cáo nhấn mạnh quần đảo Hoàng Sa cùng với quần đảo Trường Sa “luôn luôn là một phần của Việt Nam” và tuyên bố khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam. Ngày 22.8.1956, tàu HQ04 của Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã ra quần đảo Trường Sa cắm bia chủ quyền, dựng cờ, bảo vệ quần đảo trước hành động xâm chiếm trái phép, vi phạm chủ quyền Việt Nam của Đài Loan và Philippines.

 

Từ ngày 17 - 20.1.1974, Trung Quốc huy động lực lượng quân sự đánh chiếm nhóm đảo phía Tây, quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù đã chiến đấu quả cảm, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, song Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã không cản phá được hành động xâm lược của Trung Quốc. Tuy nhiên, trên mặt trận ngoại giao, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ trước Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế: Ngày 19.1.1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa đã ra Tuyên cáo kêu gọi các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình lên án hành động xâm lược thô bạo của Trung Quốc. Cũng trong thời gian này, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tuyên bố nêu rõ lập trường của mình trước sự kiện này, đó là: Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc; Vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề mà giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại; Các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng.

 


Triển khai lực lượng tiếp quản, đóng giữ các đảo


Từ ngày 13 - 28.4.1975, các lực lượng quân Giải phóng Nhân dân miền Nam Việt Nam đã tiếp quản các đảo có quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ, đồng thời triển khai lực lượng đóng giữ các đảo, một số vị trí khác trong quần đảo Trường Sa. Ngày 5.6.1975, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 2.7.1976, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa VI (1976 - 1981), đã quyết định đổi tên nước ta là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà nước CHXHCN Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Ngày 12.5.1977, Chính phủ CHXHCN Việt Nam ra tuyên bố về các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam, trong đó khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Ngày 28.9.1979, Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam công bố Sách trắng Chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó đã giới thiệu 19 tài liệu liên quan đến chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Ngày 9.12.1982, Chính phủ CHXHCN ViệtNamký Quyết định số: 193-HĐBT(3) thành lập huyện Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 11.12.1982, Chính phủ CHXHCN Việt Nam ký quyết định số 194-HĐBT thành lập huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày 28.12.1982, Quốc hội Khóa VII CHXHCN Việt Nam ra Nghị quyết sáp nhập huyện Trường Sa vào tỉnh Phú Khánh. Ngày 11.4.2007, Chính phủ CHXHCN Việt Nam ký Nghị định số 65/NĐ/CP quyết định thành lập 3 đơn vị hành chính trực thuộc huyện Trường Sa: Thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn.

 

Năm 1988, CHND Trung Hoa đã huy động lực lượng vũ trang đánh chiếm các bãi cạn phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa. Chính phủ CHXHCN Việt Nam đã thông báo cho Liên Hợp Quốc và gửi các Công hàm tố cáo và phản đối CHND Trung Hoa đã đánh chiếm trái phép các bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa gồm: Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Su Bi.

 

Tháng 4.1988, Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam công bố Sách trắng Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Luật pháp quốc tế.


Ngày 23.6.1994, Quốc hội CHXHCN ViệtNamra Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Ngày 1.1.1997, Đà Nẵng tách khỏi Quảng Nam - Đà Nẵng, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, huyện đảo Hoàng Sa trực thuộc TP Đà Nẵng.

 

Ngày 25.4.2009, TP Đà Nẵng công bố Quyết định bổ nhiệm ông Đặng Công Ngữ giữ chức Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa…

 

Cho đến nay, ngoài những hoạt động kể trên, Việt Nam đang đóng giữ và quản lý 21 vị trí tại quần đảo Trường Sa; không ngừng củng cố và phát triển các cơ sở vật chất để phục vụ cho đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.

TS. Trần Công Trục
Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ

 

Đại biểu nhân dân