In trang
Góc trưng bày tại Bảo tàng ngành dệt Augsburg, Đức

Cho hiện vật kể chuyện
Cập nhật lúc : 08:11 11/06/2015

Sở hữu bộ sưu tập đẹp và giá trị nhưng bảo tàng không biết cách “khoe” thì chúng sẽ trở nên nhạt nhẽo trong mắt người xem. Trưng bày bảo tàng được GS.TS. Atelier Bruckner (Đức) ví như công việc của một đạo diễn, trong đó hiện vật được sắp xếp và dàn dựng bối cảnh để kích thích trí tưởng tượng cũng như cảm xúc của người xem ở mức cao nhất.

 GS.TS. Atelier Bruckner, chuyên gia thiết kế trưng bày tại Bảo tàng Stuttgart, Đức, cũng là người khởi xướng thành lập nhóm chuyên gia thiết kế trưng bày bảo tàng từ năm 1997. Tới nay, nhóm gồm 76 người, đã thực hiện 120 dự án ở 18 quốc gia. Chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp ViệtNammới đây, GS.TS. Atelier Bruckner cho biết: “Chúng tôi sử dụng thuật ngữ Scenography hay nghệ thuật thiết kế trưng bày. Đây là triết lý thiết kế mang tính toàn diện, tích hợp, sử dụng các yếu tố không gian, ánh sáng, áp phích, đồ họa, phác thảo, âm thanh, video… để tạo ra không gian trưng bày hiện đại, nhưng hài hòa, thống nhất về nội dung cho các bảo tàng của thế kỷ XXI”.

 

Vẻ đẹp ẩn giấu


Trong một trưng bày, sẽ có hiện vật mang ý nghĩa tiêu biểu, quan trọng, cần tập trung sự chú ý của người xem khi họ bước vào tham quan, và cả trưng bày là câu chuyện xoay quanh những đại diện này; giống như một vở diễn, có cốt chuyện xoay quanh một vài nhân vật chính. Ngoài hiện vật, nhiều khi trưng bày còn cần các yếu tố phụ trợ, như hệ thống chiếu sáng nếu áp dụng hợp lý màu sắc, hướng chiếu, các hiện vật sẽ gây ấn tượng mạnh. Bên cạnh đó, để bảo tàng không chỉ có các hiện vật độc đáo, mà cần thêm các yếu tố khác, qua đó chuyển tới khách tham quan câu chuyện sống động về hiện vật.

 

GS.TS. Atelier Bruckner lấy ví dụ: Bảo tàng ngành dệt ở Augsburg, Đức, trước đây là xưởng dệt lớn với hơn 50.000 công nhân, đã ngừng hoạt động từ những năm 1950. Trưng bày bảo tàng là những cỗ máy dệt, hình ảnh cho thấy hoạt động của công nhân dệt từ xưa đến nay, thể hiện cách mạng công nghệ đã tác động tới nghề dệt ra sao. Bảo tàng cũng giới thiệu bộ sưu tập khoảng 1,2 triệu mẫu vải dệt, trưng bày hơn 600 cuốn sách chụp mẫu vải. Tuy nhiên, không phải lúc nào người xem cũng có thể tới gần lật từng trang sách. Với trưng bày mới, chúng tôi có các cuốn sách điện tử scan hình ảnh từ sách. Với sự kết hợp hoàn hảo của công nghệ điện tử, khách tham quan có thể tương tác với hiện vật hoặc hình ảnh, như khi họ chọn mẫu vải, trên màn chiếu sẽ hiện ra, mẫu vải ấy biến thành trang phục ra sao… Vì vậy, không chỉ nhà thiết kế, mà công chúng rất thích tới bảo tàng. Hoặc tại Bảo tàng Đồng hồ Đức, không chỉ có những chiếc đồng hồ nhiều thời kỳ được trưng bày tẻ nhạt, nằm im trên kệ, hay giới thiệu những nhà sáng chế ra nó. Công nghệ điện tử giúp khách tham quan có thể khám phá hàng trăm chi tiết và linh kiện cơ khí tinh vi trong đồng hồ đeo tay và biết được các linh kiện hoạt động như thế nào… 

 

Có thể nói, với thiết kế trưng bày hiện đại, bảo tàng sẽ giúp khách tham quan thấy được những vẻ đẹp ẩn giấu trong từng hiện vật.

 

Hiện vật và ý tưởng trưng bày


Các thiết bị khoa học kỹ thuật được sử dụng tại nhiều bảo tàng ở châu Âu mang lại cho người xem trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, bảo tàng không có điều kiện sử dụng công nghệ vẫn có thể có các trưng bày ấn tượng, ví dụ, bảo tàng khảo cổ có thể tạo dựng khu vực khảo cổ với dấu vết khai quật; dùng ánh sáng chiếu vào hiện vật, khiến cho khách tham quan cảm giác như có thể chạm vào… Theo GS.TS. Atelier Bruckner, thực ra công nghệ khá rẻ, nhưng không nhất thiết phải sử dụng chúng trong trưng bày. Bởi dù công nghệ hiện đại đến đâu thì người thiết kế cũng phải có mục tiêu cụ thể; hiểu rõ hiện vật, ý nghĩa của chúng, cũng như chủ đề xuyên suốt để dẫn dắt người xem. Điều này chỉ có thể thành công khi luôn có sự trao đổi thường xuyên giữa cán bộ bảo tàng, giám tuyển và nhóm thiết kế. GS.TS. Atelier Bruckner khẳng định: “Tất cả dự án trưng bày của chúng tôi xuất phát từ trao đổi với giám tuyển, cán bộ bảo tàng - những người hiểu rõ nhất bộ sưu tập, thậm chí khảo sát nhu cầu của khách thăm quan, từ đó đưa ra các ý tưởng thiết kế. Có dự án trưng bày chúng tôi thực hiện trong 3 năm, với khoảng 30 hội thảo… Tuy nhiên, để bảo tàng là nơi nên đến cho mọi người thì yếu tố chính phải là hiện vật”.

 

Ở Đức vừa qua có triển lãm giới thiệu các hiện vật của văn hóa Đông Sơn, vốn rất ít biết tới ở Đức, nhưng xem trưng bày, mọi người đều kinh ngạc, cảm nhận nét độc đáo, những thay đổi của nền văn hóa này và muốn đến ViệtNam- GS. TS. Atelier Bruckner cho biết. Đi thăm một số bảo tàng ViệtNam, ông thấy chúng ta có một kho tàng quý báu nhưng cách trưng bày chưa thể hiện hết vẻ đẹp của chúng: “Tài chính có thể khó khăn, nhưng đây không phải là điều duy nhất. Từ góc độ chuyên gia thiết kế, hãy tận dụng những kho báu để thu hút mọi người. Quan trọng là cách bảo tàng kể những câu chuyện mình đang nắm giữ và nhiều khi cần dũng cảm để có phong cách trưng bày mới”.

 

Đại biểu nhân dân