In trang
Triển lãm “Nhật ký hòa bình” đi từ câu chuyện về thời kỳ chiến tranh để nói lên giá trị của hòa bình

Có gì đẹp trên đời hơn thế (*)
Cập nhật lúc : 13:32 07/03/2019

Chiến tranh đã lùi xa nhưng công cuộc hàn gắn vết thương trên mảnh đất hình chữ S vẫn cần sự đồng hành của những con người yêu chuộng hòa bình. Vì trên tất cả, hòa bình là ước mơ, khát vọng, là nỗ lực cùng dày công vun đắp và lan tỏa…

Tiếng vọng từ quá khứ

Trưng bày “Nhật ký hòa bình” khai mạc sáng 2.7 tại Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, gợi lại câu chuyện về thời kỳ đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam năm 1954 - 1975. Ấn tượng hình ảnh những con chim giấy màu xanh da trời giăng nối các tấm hình mang thông điệp về một thời đã qua, cả những ước mơ trên từng chặng đường đất nước. Hai chữ “hòa bình” trở đi trở lại nói lên khát vọng cháy bỏng của dân tộc, mang theo thanh âm của nụ cười chiến sĩ, tình quân dân, lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm. Chẳng phải vì thế mà nhà văn, nhà hoạt động xã hội người Thụy Điển Sara Lidman khi chứng kiến những cố gắng phi thường của người dân miền Bắc trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại đã phát biểu: “Ước gì sau một đêm ngủ dậy, tôi sẽ trở thành người Việt Nam”.

 

Từng hiện vật, hình ảnh cũng là lời cảm ơn từ trái tim đến bạn bè quốc tế đã đấu tranh vì hòa bình cho mảnh đất hình chữ S. Câu chuyện về tình đoàn kết của nhân dân thế giới đã vượt qua khoảng cách địa lý, ngôn ngữ, tôn giáo, lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam được kể lại thông qua các hoạt động: Mít tinh, biểu tình, tọa đàm, hội thảo, lập tòa án quốc tế, quyên góp tiền, hiến máu… Niềm cảm phục, tinh thần yêu chuộng hòa bình ấy bùng cháy thành ngọn lửa trong hàng ngũ binh lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam, cả những phi công sống trong trại giam ở miền Bắc…

Có cuộc chiến tranh ở trong lòng nước Mỹ với phong trào tập hợp thanh niên, sinh viên, công nhân, trí thức, nhà báo, nghệ sĩ, quân nhân… đòi quân Mỹ rút về nước. Các khẩu hiệu “Mỹ hãy rời khỏi Việt Nam”; “Hãy dừng lại cuộc chiến tranh vô nghĩa”; “Con trai tôi đã chết một cách vô ích, đừng đi đánh nhau nữa, thà ngồi tù còn hơn”… làm rung động những trái tim yêu hòa bình. Những công dân Mỹ như Norman R. Morrison, Roger Allen LaPorte, Alice Herz, John Kopping… tự thiêu, biến mình thành “bó đuốc sống” thắp sáng ngọn đuốc hòa bình. Như lời của chị Anne Morrison Welsh, vợ Norman R. Morrison - người đã tự thiêu trên Lầu Năm Góc phản đối chiến tranh Việt Nam: “Anh dâng tặng cuộc đời anh để giữ cho ngọn lửa cháy mãi soi sáng cho tất cả chúng ta. Để khiến chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ hay quay lưng trước thực tại khắc nghiệt của chiến tranh. Để chỉ ra cho chúng ta một con đường khác”.

Xây đắp ngày mai

Một con đường khác đã được mở ra. Giá trị của hòa bình được cộng hưởng ngay trên chính Thủ đô Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình. Đó là Hà Nội nghìn năm văn hiến đã trải mình trong những năm tháng khốc liệt nhất của chiến tranh nhưng vẫn sáng lên ánh sáng hòa bình bắt nguồn từ lương tri cao cả. Vẫn còn đó, hình ảnh những ngày Việt Nam chuẩn bị trao trả người bị bắt giữ cho các tổ chức hòa bình, tại Trại giam Hỏa Lò và các trại giam khác ở miền Bắc, quân nhân Mỹ được chăm sóc khi bị thương, đau ốm, dịp Giáng sinh, phi công Mỹ được phép tự tay chuẩn bị băng rôn, trang trí cây thông do các quản giáo mang vào…

Để rồi, 25 năm qua, không ít cựu binh Mỹ quay trở lại Việt Nam với mong muốn góp phần giảm đi những đau thương, mất mát để lại trên mảnh đất này. Cần mẫn, âm thầm, những người ở phía bên kia chiến tuyến cùng nỗ lực hàn gắn vết thương thời chiến, chung tay tìm kiếm quân nhân mất tích, rà phá bom đạn, hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam… Mới thấy, hòa bình là sự vun đắp từ hai phía, hành trình vun đắp ấy cần sự nhắc nhớ của ký ức, để thời gian càng qua đi, ta càng thấm thía hơn giá trị hòa bình.

Hà Nội là điểm kết nối để các bên của xung đột cùng ngồi lại, tìm hướng giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế, của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Việt Nam không lớn, không giàu, nhưng góp sức gìn giữ hòa bình thế giới thông qua việc gửi công binh tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, gần đây nhất là chúng ta gửi cả một bệnh viện dã chiến tới Nam Sudan. Chúng ta cũng được bầu với số phiếu rất cao vào vị trí Ủy viên không thường trực của Ủy ban Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021… Chỉ ra như vậy, Chủ tịch Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho rằng, đó là con đường Việt Nam chung tay với bạn bè quốc tế nối dài những trang nhật ký hòa bình. 

Nối dài những trang nhật ký hòa bình, bởi ta hiểu rằng “có gì đẹp trên đời hơn thế” (thơ Tố Hữu). Như hình ảnh cô gái Việt Nam tươi tắn dang rộng đôi tay, đón những cánh chim bồ câu đậu xuống vai cùng dòng chữ “The war is over” (Chiến tranh qua rồi); như danh hiệu Thành phố Vì hòa bình mà Hà Nội mang 20 năm qua. Theo nhà sử học Lê Văn Lan, đó là dấu nối của quá khứ và tương lai, của nguyện ước và cam kết. Thời đại mới, hòa bình còn gói cả câu chuyện lịch sử, môi trường, gìn giữ văn hóa, an sinh xã hội… Nhìn vào hai chữ “Hòa bình”, trong cả cụm từ “Thành phố Vì hòa bình” ấy mà suy ngẫm, để hiểu những kỳ vọng lớn lao của Thủ đô, đất nước, dân tộc trên bước đường phát triển mới. 

 

daibieunhandan.vn