In trang
Nhà thờ Đức Bà, TP Hồ Chí Minh qua ống kính 360 độ Nguồn: ITN

Bảo tồn di sản đô thị trong quá trình hiện đại hóa: Ứng xử của chủ thể di sản
Cập nhật lúc : 14:15 07/05/2017

Thực trạng hiện đại hóa ở các đô thị bằng cách xóa bỏ những dấu tích vốn là hồn cốt của nó diễn ra dồn dập nhiều năm gần đây, đã gióng lên hồi chuông về việc bảo vệ giá trị di sản. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đô thị hóa và văn hóa nói chung, giữa bảo tồn di tích lịch sử và phát triển đô thị nói riêng, là vấn đề mang tính toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam, trong đó chủ thể di sản đóng vai trò quan trọng.

Di sản đô thị của ai?


Trong giai đoạn hiện nay, xu thế phát triển kinh tế và quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa một mặt tạo ra cơ hội và điều kiện cho hoạt động bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống ở đô thị, song cũng tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sự tồn vong của di sản. Tại hội thảo “Bảo tồn di sản đô thị trong quá trình hiện đại hóa” chiều 3.7, TS. Nguyễn Thị Hậu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh phân tích, không ở đâu xa, như mâu thuẫn tại TP Hồ Chí Minh, một đô thị đang đứng trước những thách thức quá lớn trong bảo tồn di sản văn hóa đô thị. 

 

Theo TS. Nguyễn Thị Hậu, tiến trình đô thị hóa ở Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng không phải là một đường thẳng bằng phẳng với xu hướng tích cực mà như con đường bị đào xới và dựng nhiều “lô cốt”, làm phát sinh không ít vấn đề nan giải, đòi hỏi các nhà quản lý đô thị phải có tầm nhìn và chính sách để phát triển bền vững. Quan trọng nhất là làm thế nào để xây dựng thành phố văn minh hiện đại nhưng không mâu thuẫn với bảo tồn di sản văn hóa của đô thị.

 

Từ đầu những năm 2000 đến nay, mâu thuẫn giữa phát triển hay bảo tồn di sản, giữa lợi ích trước mắt của nhà đầu tư hay giá trị tinh thần lâu bền của cộng đồng, về vai trò “làm chủ” đô thị - của chính quyền hay cộng đồng ngày càng gay gắt. Để giải quyết mâu thuẫn này, phải trở về xuất phát điểm: Di sản đô thị của chính quyền, nhà đầu tư hay của cộng đồng? Di sản văn hóa là của riêng thành phố hay của cả nước? Trả lời những câu hỏi này là thể hiện nhận thức và quan điểm về bảo tồn di sản một cách rõ ràng, cũng như cái tâm và cái tầm của nhà quản lý.

 

Công cuộc đô thị hóa và hiện đại hóa diễn ra với quy mô và tốc độ chưa từng thấy, đặt ra bài toán khó cho bảo tồn các di sản văn hóa vật chất, ngay cả khi tưởng như nhận thức đã được nâng cao, năng lực khoa học và chuyên môn cùng khả năng tài chính đã nhân lên nhiều lần. Đời sống vật chất của dân cư được cải thiện, nhu cầu của họ gia tăng mạnh mẽ đối với các thiết chế tôn giáo - tín ngưỡng, đang tạo ra những thách thức bất ngờ đối với sự bảo lưu nguyên vẹn các di tích. Đấy là chưa nói tới sự lấn át và khuếch đại quy mô của các công trình kiến trúc, của cấu trúc đô thị mới, đang gây sức ép đối với hầu hết di tích.

 

Hòa hợp 3 yếu tố


TS. Nguyễn Thị Hậu giải thích, bảo tồn di sản đô thị về bản chất là xác lập phương thức dung hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. “Di sản đô thị thường là những cấu trúc sống động với sự tích tụ đầy đủ nhịp điệu sinh hoạt và phát triển của nó trong quá khứ và hiện tại, nên phương thức bảo tồn phức tạp và đa dạng hơn so với di tích khảo cổ đơn thuần. Bài học của thế giới, di sản đô thị là của cộng đồng, là nguồn vốn xã hội quan trọng và cần được sử dụng, đầu tư để phát triển theo chiều kích lịch sử. Từ đó hình thành, xây dựng những thế hệ con người, cộng đồng dân cư mang tâm thức và lối sống của đô thị. Có con người đô thị mới bảo tồn và phát triển di sản văn hóa đô thị và ngược lại”.

 

Từ trường hợp của TP Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Thị Hậu cho rằng, quy hoạch đô thị - công trình kiến trúc - cảnh quan tự nhiên là 3 yếu tố phải hòa hợp với nhau; thích ứng với tự nhiên, phát huy cao hơn yếu tố truyền thống. Những di tích như Dinh Độc Lập hay phố cổ Hội An, Đại nội Huế… cần có cảnh quan, môi trường của nó. Mỗi trường hợp là một câu chuyện về quá khứ, hiện tại của một loại hình di sản đô thị. Những câu chuyện này kết thúc có hậu hay không, tức là tương lai của di sản còn hay mất, phụ thuộc vào cách ứng xử của chủ thể di sản. Đó là cộng đồng dân cư có quan hệ trực tiếp với di sản. Đó còn là chính quyền, nhà quản lý và nhà đầu tư.

 

Di sản văn hóa vật thể không được bảo tồn thì di sản văn hóa phi vật thể cũng không thể duy trì. Dấu tích xưa cũ không còn thì ký ức, tình cảm con người đối với đô thị không thể lưu truyền mãi mãi. Vì vậy, trong xu thế hội nhập quốc tế, các quốc gia luôn hướng tới tôn trọng đa dạng văn hóa và bảo vệ, tôn vinh bản sắc dân tộc để tạo nền tảng tinh thần cho phát triển.

 

Đại biểu nhân dân