In trang
Góc trưng bày các loại gốm cổ tại Bảo tàng Cội nguồn, Phú Quốc

Bảo tàng ngoài công lập: Xoay xở để tồn tại
Cập nhật lúc : 09:10 11/00/2015

Xuất phát từ đam mê, không ít người đã đầu tư công sức, tiền bạc để sưu tầm, bảo quản hiện vật với mong muốn gìn giữ một phần di sản của đất nước. Nhưng khi được công nhận là bảo tàng ngoài công lập, với yêu cầu chuyên môn cao, gánh nặng kinh tế dồn xuống, các bảo tàng này đang phải gồng mình xoay xở để tồn tại.

Đơn thương độc mã


Gần 6 vạn hiện vật trưng bày trong 25 bảo tàng, được phân bố ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng theo các chuyên gia, về tổng thể, bảo tàng ngoài công lập hầu như đang hoạt động đơn thương độc mã. Phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa ViệtNam, PGS. TS. Phạm Mai Hùng nhận định: “So với hệ thống bảo tàng công lập, các bảo tàng ngoài công lập rõ ràng có rất ít lợi thế về các nguồn lực như: Không gian, kiến trúc, cảnh quan, nhân lực, kinh phí hoạt động… Nhìn nhận một cách khách quan thì đến thời điểm này, Việt Nam chưa bảo tàng ngoài công lập nào có tổ chức bộ máy hoàn chỉnh, thực thi đầy đủ các nhiệm vụ quy định tại Thông tư số 18 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tầm ảnh hưởng của các bảo tàng ngoài công lập đối với đời sống tinh thần của toàn xã hội chưa cao…”.

 

Phần lớn bảo tàng ngoài công lập có quy mô nhỏ, phải tận dụng nhà ở làm phòng trưng bày, kho bảo quản, cán bộ thuyết minh là người thân trong gia đình hay đích thân giám đốc thuyết minh… Đơn cử, toàn bộ không gian của Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên chỉ rộng 200m2, trong đó diện tích trưng bày 130m2, và bộ máy vận hành chỉ 3 người. Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, PGS. TS. Nguyễn Văn Huy bày tỏ: “Bảo tàng tư nhân muốn ra đời đã khó, để duy trì hoạt động lại càng khó hơn. Học sinh, khách du lịch là đối tượng tiềm năng lớn của bảo tàng nhưng liên kết với nhà trường và đơn vị lữ hành cũng rất khó khăn vì họ vẫn mang tâm lý phân biệt nên thường không chú ý đến bảo tàng ngoài công lập. Nếu có thì đến cùng lúc quá đông, với điều kiện của mình, chúng tôi không thể đáp ứng được”.

 

Khảo sát năm 2014, mặc dù cả nước có 25 bảo tàng ngoài công lập nhưng chỉ 10 bảo tàng thường xuyên mở cửa đón khách và có hướng dẫn tham quan. Việc lúng túng trong hướng dẫn đăng ký, hoạt động bảo tàng; đội ngũ cán bộ chưa có trình độ chuyên môn trong giám định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; bản thân nhiều nhà sưu tập chưa nắm vững pháp luật, chưa tận dụng tốt các quyền lợi, cơ hội… là rào cản trong quá trình phát triển bảo tàng ngoài công lập.

Cần người đỡ đầu

Trong điều kiện khó khăn, một số bảo tàng như: Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long (Thanh Hóa), Bảo tàng Y học cổ truyền (TP Hồ Chí Minh), Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình)… đã có những ý tưởng, cách làm độc đáo. Chẳng hạn, Bảo tàng Cội nguồn Phú Quốc (Kiên Giang) xây dựng mô hình gồm: Bảo tàng - Khách sạn - Khu mua sắm Ngọc trai - Đồ thủ công mỹ nghệ - Khu bảo tồn chim Ó, đại bàng biển Phú Quốc và chó xoáy…; Bảo tàng Đồng quê (Nam Định) tận dụng không gian của bảo tàng để kết hợp dịch vụ ăn uống, bán đặc sản cho khách tham quan… Hay như Bảo tàng Áo dài (TP Hồ Chí Minh), mặc dù được đánh giá là bảo tàng độc nhất vô nhị ở ViệtNam nhưng vẫn không thể sống được bằng tự thân hiện vật. “Bảo tàng phải dành một phần đất cho công ty vi sinh thuê, một phần để mở dịch vụ tiệc cưới, phim trường, ngoài ra, chúng tôi cũng liên kết với các lãnh sự quán để tổ chức các hội nghị, hội thảo. Sắp tới, Bảo tàng còn dự định dành một khoảng đất để… trồng khoai lang cung cấp cho các khách sạn, nhà hàng… nhằm đem lại nguồn thu, giải quyết bài toán kinh phí hoạt động trước mắt. Mặc dù rất muốn, nhưng hiện nay chúng tôi không thể trông chờ Bảo tàng có thể sống được bằng tự thân các hiện vật” - Giám đốc Bảo tàng Áo dài, ông Lê Sỹ Hoàng cho biết.

 

Ngày 17.11 vừa qua, lần đầu tiên các bảo tàng ngoài công lập có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm. Đại diện các bảo tàng đồng ý rằng: Hoạt động kinh tế chỉ là giải pháp trước mắt giúp bảo tàng ngoài công lập có thể tồn tại. Mục đích của bảo tàng là giáo dục văn hóa thông qua hiện vật, nếu không được đầu tư thích hợp, rất có thể các bảo tàng này sẽ nhanh chóng bị biến dạng, thậm chí biến mất trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (Hà Nội), ông Lâm Văn Bảng chia sẻ: “Chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn. Hơn bao giờ hết, chúng tôi cần có người đỡ đầu, cần sự quan tâm sâu sát của ngành di sản văn hóa, cần chính sách kích cầu, hỗ trợ của Nhà nước và sự giúp đỡ, hợp tác của các bảo tàng công lập, các nhà trường, đơn vị du lịch… Nếu không, bản thân những người sáng lập ra các bảo tàng như chúng tôi cũng rất khó xác định được số phận bảo tàng của mình sẽ đi về đâu”.

 

 Bà Wendy Erd, chuyên gia Bảo tàng Pratt (Alaska, Mỹ): “Với kinh nghiệm 40 năm làm việc, phối hợp với các bảo tàng tư nhân, tôi nhận thấy, để các bảo tàng tư nhân phát triển hiệu quả thì thứ nhất, phải có sự tham gia của cộng đồng. Nhiều bảo tàng tư nhân trước khi thành lập, họ đến từng nhà vận động nhân dân góp sức, có thể hiến tặng hiện vật, tham gia sưu tầm hoặc lên tiếng kêu gọi sự ủng hộ của chính quyền địa phương để lập nên bảo tàng đó. Thứ hai, sau khi đáp ứng các tiêu chuẩn về tính khoa học, tính chuyên môn, tính giáo dục, lịch sử, nhân văn… bảo tàng tư nhân sẽ được cấp phép hoạt động và nhận sự tài trợ nhất định từ Nhà nước để duy trì hoạt động và phát huy ưu điểm của mình”.

 

Đại biểu nhân dân