In trang
Cách thức bầu cử trên báo cứu quốc Ảnh: Thanh Bình

Báo chí với Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam
Cập nhật lúc : 08:26 12/04/2015

Với ý chí kiên cường và niềm tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Đảng, 89% cử tri trên cả nước đã nô nức đi bỏ phiếu để bầu ra 333 đại biểu. Và ngày 1.6.1946 trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự hình thành thể chế Nhà nước cộng hòa dân chủ đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Trong giờ phút lịch sử của dân tộc, nền báo chí cách mạng non trẻ khi ấy đã đóng góp công sức của mình vào thành công của Tổng tuyển cử.

Báo chí hòa cùng không khí ngày bầu cử


Diễn ra tại Nhà Quốc hội, Triển lãm Báo chí với Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam gồm các bài báo, hình ảnh tiêu biểu về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 và về Kỳ họp thứ nhất (02.3.1946), Kỳ họp thứ hai (28.10 - 09.11.1946) của Quốc hội khóa I. Qua các tác phẩm báo chí, các đầu báo được trưng bày, triển lãm đã thể hiện trọn vẹn, giúp người xem được đắm mình trong không khí của cuộc bầu cử thời kỳ đó - khi thế nước “ngàn cân treo sợ tóc”. Các bài báo đã đưa tin về cuộc Tổng tuyển cử và quá trình hoạt động của Quốc hội Khóa I đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của dư luận đối với Quốc hội.

 

Trên trang nhất các báo lúc bấy giờ đều phát đi tín hiệu lời hiệu triệu Tổng tuyển cử. Báo Cứu Quốc (số 110) cho biết một sự kiện đầu tiên trong lịch sử nước nhà, đó là dân chúng được tuyển cử, được tham dự chính quyền, tự mình định đoạt lấy số phận của mình, tự mình kiến thiết lấy đời sống của mình. Tổng tuyển cử được ví như là cơ hội để dân tộc Việt Nam hiểu rõ ý chí muốn sống một cách sung mãn, muốn kiến thiết một cuộc đời sống mới thích hợp với sự tiến hóa chung của nhân loại. Cuộc bầu cử là một phần trong công cuộc xây dựng nước nhà...
 
“Chỉ hai tháng nữa, tất cả mọi người Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều sẽ được vui sướng tự do kén chọn người xứng đáng thay mặt mình trong Quốc hội. Cầm lá phiếu trong tay cũng là là tờ phiếu khẳng định lại đây là kết quả lớn lao mà Việt Nam đã phải khổ công chiến đấu”. Đây chính là ý nghĩa của việc Quốc dân Đại hội đăng trên báo Cờ Giải phóng (số 18). 


Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài về “Ý nghĩa Tổng tuyển cử” trên Báo Dân chủ (số 114) nêu rõ “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể Quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để giúp sức công việc nước nhà.” Điều này chứng tỏ bầu cử là việc cần thiết cho sự phát triển của đất nước, từ đó tìm ra những người có tài có đức đây là người đại diện cho nhân dân, giúp nhân dân kiến thiết đời sống tốt đẹp hơn.


Cổ vũ các tầng lớp nhân dân tham gia cuộc Tổng tuyển cử


Giới thiệu các ứng cử viên giúp cho cử tri bầu đúng người, các bài báo đã đăng các bài phỏng vấn các ứng cử viên Nguyễn Văn Tố, Trịnh Văn Bô, Trần Huy Liệu, Khuất Duy Tiến, Võ Nguyên Giáp… Để hiểu rõ các ứng cử viên, tờ Cứu Quốc đã đăng tải thông tin cụ thể các ứng cử viên, tiến hành phỏng vấn các ứng cử viên về ý nghĩa của cuộc Tổng bầu cử, hỏi ý kiến về Hiến pháp…Rất nhiều bài phỏng vấn nhanh các cử tri xoay quanh về ngày Tổng tuyển cử, nguyện vọng của cử tri về ứng cử viên ra sao. Qua các bài phỏng vấn cử tri, cử tri ủng hộ, hoan nghênh về sự kiện này, cử tri mong muốn sẽ lựa chọn được những có đức có tài để bênh vực quyền lợi tầng lớp lao động. Để giúp người dân tiến hành bầu cử thuận lợi, các báo còn giới thiệu đầy đủ những nội dung cần thiết như thể lệ bầu cử, thời gian diễn ra bầu cử, cách bỏ phiếu như thế nào, cách thức lựa chọn cử tri, cách bỏ phiếu kín, ích lợi của bỏ phiếu kín…

 

Một bài báo khích lệ các bạn gái tham gia bầu cử đăng trên Báo Quốc hộiẢnh: Thanh Bình


Báo chí đã cổ vũ các tầng lớp nhân dân tham gia cuộc Tổng tuyển cử, báo chí khích lệ tầng lớp phụ nữ tham gia bầu cử bằng cách đưa ra dẫn chứng cụ thể về phụ nữ có quyền được đi bầu cử “Trên thế giới, ngày nay đã có chừng 150 triệu phụ nữ có quyền ứng cử và tuyển cử, sau mươi nước trên thế giới đã được hưởng quyền phổ thông đầu phiếu, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng ở trong các nước tân tiến ấy (Trích Báo Cứu quốc số 120)”; nhi đồng đóng góp ủng hộ bầu cử bằng cách thực hiện rước cổ động khắp các ngả đường.

 

Báo chí đưa thông tin về không khí Tổng tuyển cử nhiều nơi trên Tổ quốc, nhiều nơi còn định làm náo nhiệt vui vẻ như ngày Tết, có cờ quạt chiêng trống; nhiều người bỏ việc làm, chợ búa để tập trung vào việc đi bỏ phiếu; trên các ngã ba ngã tư xuất hiện những tấm biển cổ động, trên những bức tường được dán đầy chi chít những giấy cổ động các mẫu, mọi người thì thầm to nhỏ nhắc nhau nhớ thật kỹ những người đáng được viết tên lên lá phiếu bầu…

 

Phỏng vấn cấp tốc cử tri Ảnh: Thanh Bình


Theo đánh giá của nhiều ĐBQH, Triển lãm Báo chí với Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam mang lại cái nhìn khách quan về lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội, giúp cho người xem hiểu hơn về quá trình ra đời và phát triển của Quốc hội Việt Nam những năm đầu độc lập.

 

Đại biểu nhân dân