In trang

Vai trò của người dân trong xây dựng thành phố thông minh
Cập nhật lúc : 09:27 06/05/2018

Có thể khẳng định rằng, người dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển một đô thị, đặc biệt là đô thị thông minh (smart city).

Thành phố thông minh là lĩnh vực được nghiên cứu và triển khai khá mạnh tại nhiều nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, các hướng tiếp cận rất đa dạng và có tác động rất khác nhau. Cụ thể, một đánh giá tổng quan gần đây cho thấy có các lĩnh vực của đô thị thông minh đã và đang được nghiên cứu như sau:

1. Hạ tầng thông tin - viễn thông (hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu lớn) 
2. Quản lý nhà nước trên hạ tầng CNTT (Chính phủ điện tử) 
3. Hệ thống quản lý an sinh - xã hội điện tử 
4. Sự tham gia của người dân và quản lý công dân điện tử 
5. Quan trắc và quản lý môi trường 
6. Quản lý kinh tế và tài chính điện tử 
7. Các ứng dụng trên thiết bị di động

Trong các hướng tiếp cận trên, sự tham gia của người dân và quản lý công dân điện tử là một trong những hướng nghiên cứu và ứng dụng được đánh giá cao vì tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân. Người dân đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển một đô thị, đặc biệt là đô thị thông minh. Bản thân mỗi công dân đều có thể đóng góp dữ liệu cho hệ thống thông tin của một đô thị được quản lý trên nền hạ tầng CNTT-VT; đồng thời sự tương tác của người dân với chính quyền, với các nhà quản lý là một yếu tố luôn được chú trọng trong các hệ thống chính quyền điện tử.

Nhiều quốc gia đã và đang triển khai các dự án tương tác thông tin giữa người dân và chính quyền rất hiệu quả. Ở Na-Uy, công cụ trao đổi thông tin về quy hoạch (digital planning dialog) cho phép người dân truy cập vào thông tin quy hoạch của các thành phố và có thể góp ý với chính quyền về các dự án. Ở Mỹ, công cụ trực tuyến FixMyStreet.com được xây dựng với mục tiêu để người dân gửi yêu cầu sửa chữa đường sá cho chính quyền các địa phương. Ở thành phố Paris (Pháp), dự án Green Watch được triển khai với 200 thiết bị quan trắc được lắp đặt để theo dõi chất lượng không khí và tiếng ồn tại các địa điểm trong thành phố Paris và hiển thị kết quả trên bản đồ. Các ví dụ trên đều cho phép người dân có thể theo dõi các thông tin quản lý đô thị tại nơi mình sinh sống, cũng như đóng góp thông tin cho hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước để đảm bảo điều kiện sống của mình.

Mạng xã hội cũng là công cụ khá phổ biến để chính quyền và các chính trị gia chuyển tải thông báo hoặc tiếp nhận thông tin từ những công dân và các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. Ví dụ cụ thể là Tổng thống Mỹ Donald Trump, hay cựu Tổng thống Mỹ Barrack Obama, cựu Thủ tướng Anh David Cameron,... đều cập nhật thông tin thường xuyên trên Twitter trong thời gian tại vị. Ngay tại Việt Nam, một số lãnh đạo của Chính phủ đã thành lập trang thông tin điện tử chính thức trên trang web Chính phủ, hoặc lãnh đạo của một số thành phố cũng đã cập nhật thông tin hoạt động thường xuyên trên mạng xã hội Facebook.

Bài học kinh nghiệm từ dự án Smart Saigon

Theo hướng sử dụng sự đóng góp của người dân để hỗ trợ các thông tin quản lý nhà nước, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán đã triển khai dự án Smart Saigon (tên gọi đầy đủ là “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và mạng xã hội trong quản lý giao thông đô thị với điều kiện thời tiết khắc nghiệt”), với mục tiêu xây dựng một hệ thống tự động tổng hợp, hiển thị và chia sẻ các thông tin ngập lụt và giao thông được gửi từ người dùng mạng xã hội, kết hợp với thông tin giao thông và báo ngập chính thức từ các cơ quan quản lý trong khu vực TP.HCM.

Các tin báo của cộng đồng về tình hình ngập lụt và giao thông (có thể kèm hình ảnh hoặc video clip) với từ khóa #ngaplut được gửi đến phần mềm Smart Saigon trên các trang mạng xã hội (Twitter: @smartsaigon, Facebook: @smartsaigon). Các dữ liệu này sẽ được hệ thống tự động phân tích, đối chiếu và cập nhật tức thời trên một trang bản đồ trực tuyến ở địa chỉ http://smartsaigon.info. Nhóm nghiên cứu cũng đã triển khai thành công việc hiển thị các tin báo trên các bản đồ trực tuyến của Google Maps và Vietbando (maps.vietbando.com) và tích hợp vào website của dự án.

Nhóm dự án đã tiếp cận nhiều cộng đồng dân cư tại các khu vực có khả năng ngập lụt để mời gọi người dân nhắn tin báo ngập cho hệ thống. Dự án cũng được giới thiệu và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các thầy cô và các đội, nhóm sinh viên từ các trường đại học của TP.HCM như Đại học Hoa Sen, Đại học Giao thông vận tải, Đại học Sài Gòn, và Đại học Tài nguyên và Môi trường. Trong tháng 7/2017, Smart Saigon cũng đã được giới thiệu đến Quận Đoàn Quận 1, và từ sự hỗ trợ của Quận Đoàn, được triển khai đến các Đoàn viên trên địa bàn Quận 1 như một hoạt động tình nguyện của Mùa hè xanh năm 2017.

Trong thời gian tới, nhóm dự án sẽ tiếp tục triển khai ở các quận, huyện trên toàn thành phố để kêu gọi sự đóng góp của người dân; đặc biệt là Đoàn viên, Thanh niên, Sinh viên và những người trẻ tuổi có điều kiện và có khả năng tiếp cận công nghệ di động nói chung. Những người tình nguyện tham gia dự án đều được trang bị một ý thức chung là đóng góp thông tin cho hoạt động quản lý của thành phố, và các thông tin này cũng sẽ mang lại lợi ích cho bản thân họ trong tình hình hệ thống thoát nước chưa được giải quyết triệt để như hiện nay.

Bên cạnh những người tình nguyện, dự án cũng thành lập một số nhóm cung cấp thông tin thường xuyên để duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống. Mỗi nhóm đều được quản lý và theo dõi hoạt động trên bảng thông tin trực tuyến của dự án tại trang web http://smartsaigon.info. Những thành viên của nhóm thông tin thường trực cũng được hỗ trợ mỗi người 01 tài khoản truy cập 3G hàng tháng như một phần thưởng tượng trưng cho hoạt động cộng đồng.

Tuy chỉ mới được đưa vào hoạt động trong thời gian ngắn (từ tháng 5/2017), nhưng dự án đã cho thấy kết quả khả quan từ sự tham gia tích cực của người dân trong hoạt động cảnh báo ngập lụt. Cụ thể, hệ thống đã ghi nhận gần 1.800 tin báo ngập chỉ trong 3 tháng thử nghiệm. Từ những tin nhắn này, Smart Saigon đã thể hiện được 1 bản đồ chi tiết về các điểm ngập của thành phố. So sánh với thông tin về 40 điểm có nguy cơ ngập trên cổng thông tin điện tử về giao thông của Sở Giao thông vận tải TP.HCM (giaothong.hochiminhcity.gov.vn), có thể thấy ngay hiệu quả cảnh báo của Smart Saigon đối với các điểm nóng về ngập lụt trên toàn thành phố. Với dữ liệu được cập nhật và bổ sung hàng ngày, chắc chắn Smart Saigon sẽ còn ghi nhận được các điểm ngập mới để các cơ quan hữu quan của thành phố đưa vào kế hoạch chống ngập trong tương lai.

Thành công bước đầu trong quá trình triển khai dự án Smart Saigon trong cộng đồng cũng cho thấy sự ủng hộ tích cực của người tham gia và các cơ quan quản lý của nhà nước. Đặc biệt là với sự phát triển của các phương tiện điện tử hiện đại và sự tiện dụng của các hệ thống di động, kết nối thông minh, người dân đã không còn ngại ngần trong các tương tác với chính quyền. Có thể nói, đây là một tín hiệu khá lạc quan trong việc triển khai những dự án có lợi ích thiết thực trong đời sống người dân, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại và thông minh hơn. (PCworld)