In trang
Phát triển cây đinh lăng dược liệu ở Hải Hậu, Nam Định

Ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng giá trị cây thuốc bản địa
Cập nhật lúc : 08:13 12/05/2014

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu, trong đó có nhiều loài dược liệu được xếp hạng quý hiếm. Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược đặt ra, đến năm 2020 thuốc nội chiếm 80% giá trị tiêu thụ và 20% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước. Đây là những mục tiêu không dễ thực hiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng giá trị cây thuốc bản địa có thể xem là chìa khóa mở hướng phát triển ngành dược.

Theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, Việt Nam có hơn 12.000 loài thực vật, trong đó có gần 4.000 loài có công dụng làm thuốc. Đặc biệt, có nhiều loài dược liệu được xếp vào hàng quý và hiếm trên thế giới. Với nhu cầu dược liệu hiện nay, mỗi năm ở nước ta cần khoảng 60.000 tấn, nhưng nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ cung cấp được cho thị trường khoảng 15.600 tấn. Phần còn lại phải nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ nhưTrung Quốc,Singaporevà Đài Loan. Nguyên nhân được chỉ ra là do tình trạng nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta còn tự phát, quy mô nhỏ, dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động. Tình trạng khai thác dược liệu quá mức mà không đi đôi với việc tái tạo, bảo tồn đã dẫn đến số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít, nhiều loài cây dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Ngoài ra, dược liệu không được sản xuất theo quy trình, quy hoạch làm ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng thuốc sản xuất từ dược liệu.

 

Để khắc phục thực trạng trên, năm 2014 Bộ Y tế đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất thuốc dược liệu tại nhiều địa phương có tiềm năng dược liệu và xây dựng được nhiều mô hình trồng cây dược liệu, hình thành những vùng dược liệu quy mô lớn, đồng thời sản xuất và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm thuốc từ dược liệu quý trong nước.

 

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Trương Quốc Cường, một trong những quan điểm phát triển ngành dược được đề cập tới trong Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là phát huy thế mạnh, tiềm năng cây thuốc bản địa để chủ động phát triển sản xuất thuốc từ liệu. Trong thời gian vừa qua, ngành dược đã đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh của nhân dân. Với chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các mô hình dược liệu đang được Bộ Y tế nhân rộng tại nhiều địa phương trong cả nước, ngành dược phẩm kỳ vọng sẽ kêu gọi được nhiều nhà đầu tư tham gia vào công tác phát triển dược liệu để tạo ra nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, vừa góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho người dân ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược liệu và các sản phẩm thuốc có nguồn gốc từ dược liệu trong nước.

 

Người đại biểu nhân dân