Sự tiến hóa của mã độc trên di động
Cập nhật lúc : 08:27 06/00/2015
Virus đầu tiên xuất hiện trên các thiết bị di động từ cách đây hơn một thập kỷ và những nguy cơ này vẫn đang tăng theo từng năm.
Theo hãng bảo mật Sophos (Anh), lịch sử của các mối đe dọa mã độc trên điện thoại bắt đầu từ năm 2004 với sự ra đời của sâu Cabir, tấn công vào thiết bị chạy nền tảng Symbian.
Cabir sử dụng Bluetooth để phát hiện những máy khác cùng dùng hệ điều hành Symbian. Sau đó, nó lây lan trên điện thoại bằng cách sử dụng một file được định dạng đặc biệt, giả dạng là một tiện ích quản lý an ninh. Khi tệp tin này được tung ra, màn hình điện thoại hiển thị từ "Caribe" và sâu sẽ chỉnh sửa hệ điều hành để luôn được kích hoạt mỗi khi điện thoại được bật lên.
Nhiều người cho rằng thiết bị iOS của Apple luôn "miễn dịch" trước các đợt tấn công bảo mật. Tuy nhiên, những chiếc iPhone bẻ khóa đã trở thành mục tiêu của virus từ năm 2009 với sự xuất hiện của sâu Ikee. Ikee thực sự không gây tác động gì lớn ngoại trừ việc khiến iPhone có hình nền của chàng ca sĩ Rick Astley.
Tuy nhiên, ngay sau đó, hai virus nguy hiểm hơn đã ra đời là iPhone/Privacy.A chạy ngầm và kiểm soát toàn bộ các ứng dụng cũng như thông tin cá nhân, và Duh Worm - được đánh giá là nguy hiểm nhất khi giúp tin tặc ăn cắp thông tin cá nhân, mật khẩu tài khoản ngân hàng... trên thiết bị của nạn nhân.
Từ năm 2010, đến lượt Android bị tin tặc "điểm danh" và ngay chóng trở thành hệ điều hành bị mã độc tấn công nhiều nhất. Điều này cũng dễ hiểu vì nền tảng của Google chiếm tới 80% thị phần smartphone toàn cầu.
Trong số này, Android FakePlayer được xếp vào danh sách những virus đáng sợ nhất thời đại. Đây không chỉ là một trong những mã độc đầu tiên trên Android mà nó còn có thể ngụy trang là phần mềm media, sau đó âm thầm gửi những SMS đến các tổng đài quốc tế có tính phí (mỗi tin nhắn khoảng 6 USD), khiến tài khoản của nạn nhân thường xuyên rơi vào tình trạng hết tiền.
Hiện đa số các mã độc trên Android không tự lây lan mà phụ thuộc vào việc kẻ xấu có dụ được người dùng tự tải ứng dụng xấu về thiết bị của họ hay không. Do đó, Sophos khuyến cáo người dùng nên cài một chương trình diệt virus trên máy cũng như xem xét kỹ trước khi tải một ứng dụng lạ.
(khoahocvacongnghevietnam.com.vn)
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/