Quần thể vệ tinh giúp giảm thiệt hại do thiên tai
Cập nhật lúc : 14:22 12/05/2018
Đến năm 2026, Công ty SatRevolution (Wroclaw - Ba Lan) dự định đưa hơn 60 vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo quanh Trái đất, tạo thành quần thể vệ tinh đầu tiên của Ba Lan ánh xạ hình ảnh Trái đất trong thời gian thực.
Giải pháp này sẽ có ứng dụng trong vận tải, quản trị khủng hoảng hoặc theo dõi đô thị theo nhu cầu thành phố thông minh (smart city).
Các kỹ sư ở Công ty SatRevolution đang phát triển quần thể vệ tinh nhân tạomô tả Trái đất trong thời gian thực (REC - Real-time Earth observation Constellation). Đơn vị cơ sở của quần thể sẽ là vệ tinh quan sát ScopeSat, trong đó có sử dụng hệ thống quang học với khẩu độ tổng hợp cho độ phân giải hình ảnh dưới 1m.
Việc sử dụng hệ thống quang học giúp giảm kích thước và khối lượng vệ tinh, bởi vì sau khi lên quỹ đạo, vệ tinh mới được mở ra hoàn toàn. Giảm khối lượng vệ tinh sẽ giúp giảm đáng kể chi phí chế tạo.
Theo dự đoán của các kỹ sư, chế tạo vệ tinh đầu tiên của hệ thống REC sẽ tốn khoảng 4 - 5 triệu euro, còn mỗi vệ tinh tiếp theo tốn khoảng 1 triệu euro. Nhờ đơn giá thấp hơn, quần thể sẽ có nhiều vệ tinh hơn.
Công ty SatRevolution đã kết thúc giai đoạn đầu xây dựng quần thể vệ tinh. Cho đến nay, họ đã chế tạo được vệ tinh quan sát đầu tiên Swiatowid. Nhờ vệ tinh này, các kỹ sư có thể thử nghiệm các giải pháp liên quan đến các hệ thống quang học, các hệ thống kết nối và truyền lực, cũng như hệ thống máy tính trên vệ tinh.
“Ngay từ đầu, mục tiêu của chúng tôi là tạo ra quần thể vệ tinh ScopeSat để ánh xạ hình ảnh Trái đất trong thời gian thực. Điểm nhấn quan trọng nhất trong giải pháp này là kính viễn vọng tháo lắp, giúp giảm đáng kể kích thước và khối lượng vật liệu mang lên quỹ đạo.
Chúng tôi dự định đến năm 2023 sẽ đưa 16 vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo, sau đó sẽ tăng dần số lượng vệ tinh trong quần thể” - Nhà khoa học Grzegosz Zwolinski ở Công ty SatRevolution cho biết.
Dự án dự định kết thúc vào năm 2026, được ứng dụng chủ yếu vào quản trị khủng hoảng. Nhờ hình ảnh vệ tinh, các lực lượng chức năng có thể phản ứng nhanh hơn trong trường hợp thiên tai, nhờ đó mà giảm được thiệt hại do thiên tai. Hình ảnh Trái đất trong thời gian thực do quần thể vệ tinh gửi về cũng được xử lý và ứng dụng trong vận tải, nông lâm nghiệp và đô thị thông minh. (GDTĐ)
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/