Phát hiện mới về sơ kỳ thời đại Đá cũ ở Việt Nam
Cập nhật lúc : 08:43 04/04/2016
Được triển khai từ tháng 6.2014, đề tài “Nghiên cứu hệ thống di tích khảo cổ học thời đại Đá vùng thượng du sông Ba ở tỉnh Gia Lai” do đoàn cán bộ của Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Viện Khảo cổ học Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Liên bang Nga) đã khảo sát và phát hiện nhiều di tích, trong đó có 5 di tích thời đại Đá cũ ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.
Tại di tích Gò Đá (phường An Bình, thị xã An Khê), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy 58 hiện vật đá, 21 mảnh tectit (hóa thạch) phân bố trong lớp văn hóa chứa công cụ đá. Năm 2016, ở cụm di tích Rộc Tưng (xã Xuân An, thị xã An Khê) với 2 khu vực khai quật là Rộc Tưng 1 và Rộc Tưng 4, đoàn nghiên cứu khảo cổ đã tìm thấy 123 hiện vật đá các loại và 127 mảnh tectit. Đặc biệt, đoàn nghiên cứu khảo cổ đã phát hiện 2 rìu tay (handaxe) ở di tích Rộc Giáo và Rộc Lớn trên địa bàn thị xã An Khê - điển hình cho rìu tay sơ kỳ Đá cũ thế giới.
Đoàn Chủ tọa buổi họp báo
Đây là thông báo kết quả ban đầu về phát hiện di tích khảo cổ học sơ kỳ thời đại đá cũ ở Việt Nam do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tiến hành tại buổi họp báo diễn ra ngày 11.4.2016. Theo đánh giá của các nhà khảo cổ học, niên đại của các di tích khảo cổ cách ngày nay trên dưới 1 triệu năm, các mảnh tectit có tuổi 77-80 vạn năm. Các phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ ở thị xã An Khê, Gia Lai là bằng chứng khẳng định, thượng lưu sông Ba, vùng An Khê là địa bàn sinh sống của cộng đồng cư dân cổ cách đây khoảng trên dưới 80 vạn năm. Đây cũng tạm thời được xem như là mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam.
Những phát hiện này thêm bằng chứng khảo cổ học bác bỏ quan điểm cho rằng: phương Tây sớm xuất hiện rìu tay, thể hiện sự tiến bộ, năng động của con người; còn phương Đông bảo lưu lâu dài công cụ cuội ghè đẽo thô sơ dạng chopper, thể hiện cho khu vực bảo thủ, trì trệ, lạc hậu và hầu như không có đóng góp gì cho nhân loại. Nó cũng bổ sung tư liệu mới vào bản đồ phân bố sự xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới.
(khoahocvacongnnghevietnam.com.vn)
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/