In trang

Mạnh tay với rác internet
Cập nhật lúc : 15:01 06/10/2019

Theo khảo sát đã được công bố của Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS), các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội (MXH) tại Việt Nam thể hiện tập trung nhiều nhất vào việc nói xấu, phỉ báng với con số 61,7%.

Cụ thể: Vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); Kỳ thị dân tộc (37,01%); Kỳ thị giới tính (29,03%); Kỳ thị khuyết tật (21,76%); Kỳ thị tôn giáo (15,09%)...Và chính những nguồn năng lượng xấu này đang dần che mờ những mặt tích cực do internet và MXH mang lại.

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã cấp giấy phép hoạt động cho hơn 400 MXH, như: Facebook, YouTube, FB Messenger, Zalo, Google+, Mocha… Riêng Facebook hiện có khoảng 55 triệu thành viên, chiếm 57% dân số, và Việt Nam xếp thứ 7/10 quốc gia có số người sử dụng Facebook nhiều nhất thế giới.

Thực tế mà chúng ta vẫn thấy là nhiều nội dung như buôn bán động vật hoang dã, tiền giả, vũ khí, xúc phạm đến cá nhân, doanh nghiệp… vẫn đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Theo đại diện Bộ TTTT, bên cạnh các tác động tích cực, môi trường mạng đã trở thành một không gian truyền bá những thông tin xấu, độc, xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước, đả kích chế độ, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của cá nhân, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức. Bên cạnh những quy định của pháp luật, cần phải có một khuôn khổ thể chế “mềm” để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của Nhà nước. Do vậy, việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành một Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, là rất cần thiết với tình hình hiện nay.

Thời gian qua, trong quá trình ghi nhận các ý kiến đóng góp cho việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH, nhiều chuyên gia có chung quan điểm: Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH có những quy tắc mà nhà cung cấp dịch vụ MXH, người sử dụng dịch vụ MXH phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm. Bộ Quy tắc đưa ra 4 quy tắc chung bao gồm: Tôn trọng, trách nhiệm, lành mạnh và an toàn. Ngoài các quy tắc chung này, còn có các quy tắc riêng đối với các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ phải tuân thủ, theo các mức độ: Nên/không nên; được/không được; phải/không được…

Theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát VPIS nói trên, nguyên nhân của những ứng xử chưa chuẩn mực trên MXH  lâu nay là do nhận thức của người sử dụng cho rằng MXH là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, việc theo dõi, xử lý các thông tin vi phạm, dọn rác trên không gian mạng còn gặp khó khăn do có sự khác biệt về môi trường pháp lý đối với các nền tảng MXH nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. 

Vấn đề dọn rác trên không gian internet đã được Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đề cập mới đây trong phiên chất vấn của Quốc hội. Theo ông, đang có một sự chuyển dịch toàn bộ thế giới thực vào thế giới ảo. Trong thế giới thực thì chúng ta có hệ thống pháp luật, chính quyền trung ương, địa phương và lực lượng chức năng để duy trì sự lành mạnh của xã hội, nhưng trên không gian mạng chưa có được như vậy. Cuộc sống đã đi vào không gian mạng rất nhiều và đã gây ra hệ luỵ có thực. Đời thực chúng ta thở bằng không khí, không gian mạng thì chúng ta thở bằng tin tức, nội dung. Đời thực chúng ta có hàng nghìn tấn rác, nếu không dọn thì ảnh hưởng đến sức khoẻ. Trong không gian mạng cũng có rác, nếu chúng ta không dọn, nó sẽ ảnh hưởng đến não người…Bộ trưởng Bộ TTTT cho biết, giải pháp lúc này là hệ thống pháp luật, chính quyền, lực lượng chức năng phải nhanh chóng đi vào không gian mạng để duy trì sự lành mạnh; đồng thời giáo dục kỹ năng sống trong không gian mạng cho người dân. Việc dọn rác trên intrenet bắt đầu từ việc từng người tham gia MXH không xả rác, nên dọn rác của chính mình. Hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH đang được Bộ TTTT soạn thảo và sẽ ban hành.

Để dọn sạch rác trên MXH, yêu cầu đặt ra lúc này là các nhà mạng phải có bộ lọc để dọn rác. Các cơ quan, bộ ngành cũng phải thực hiện dọn rác, giám sát, phát hiện thông qua công nghệ. Bộ TTTT cho biết đã có trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, phân tích, đánh giá, phân loại thông tin. Sau khi các bộ ngành quyết định thông tin nào là rác thì Bộ sẽ chỉ đạo các nhà mạng thực hiện yêu cầu gỡ bỏ, kể cả đối với mạng xã hội nước ngoài.

Làm thế nào để phát triển MXH lành mạnh, hạn chế thông tin giả, thông tin độc hại, gây ảnh hưởng đến các cá nhân, tổ chức? Những băn khoăn này đều không ngoài mục đích hướng tới việc sử dụng mạng an toàn, hữu ích. Trước thông tin trên mạng trong thời gian vừa qua, cơ quan quản lý đã mạnh tay hơn với các MXH nước ngoài, trong thời gian 10 tháng qua, tỉ lệ gỡ bỏ theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước đã tăng 500%... Người dùng MXH đang kỳ vọng về môi trường MXH sạch, ngày càng lành mạnh hơn.     (daidoanket.vn)