Mạng 5G vẫn còn những nỗi lo…
Cập nhật lúc : 15:49 05/08/2019
Việt Nam sẽ thương mại hóa dịch vụ này vào năm 2020 nhưng đến nay vấn đề bảo đảm an ninh mạng 5G vẫn còn là nỗi lo.
Với kết quả thực hiện kết nối lần đầu tiên trên mạng di động 5G của Viettel ngày 10/5, Việt Nam đã lọt vào TOP đầu trong các quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G và theo kế hoạch, Việt Nam sẽ thương mại hóa dịch vụ này vào năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề bảo đảm an ninh mạng 5G vẫn còn là nỗi lo.
Từ vị thế an ninh…
Theo thống kê của hãng công nghệ Qualcomm (Mỹ), trên phạm vi toàn cầu hiện đã có 18 mạng hoạt động và 134 mạng thử nghiệm 5G, với hơn 20 nhà cung cấp các thiết bị tại hơn 60 quốc gia. Cuộc đua giành thị phần cung cấp thiết bị cùng với sự cạnh tranh ngày càng găy gắt của các tập đoàn công nghệ tên tuổi trên thế giới như: Qualcomm, Intel (Mỹ), Ericsson (Thụy Điển) hay Huawei (Trung Quốc)...
Theo giới chuyên gia, khi công nghệ 5G đóng vai trò cơ sở hạ tầng, dịch vụ trọng yếu của mỗi quốc gia và quốc tế..., tức là tất cả mọi thứ đều được kết nối qua mạng 5G, thì mọi hoạt động xã hội mỗi nước và toàn cầu cũng chịu sự chi phối của công nghệ này thì nguy cơ mất an ninh là đáng lo ngại nhất.
Nhóm các nhà khoa học tại Đại học Lorraine/INRIA (Pháp) và Đại học Dundee (Scotland) cho rằng, mạng 5G vẫn tồn tại những “lỗ hổng bảo mật”, khiến tội phạm có thể chặn 5G và truy cập lấy cắp dữ liệu. Mặt khác, bản thân cấu trúc phức tạp của mạng này cũng khiến việc bảo vệ hệ thống khó khăn hơn nhiều so với các mạng trước đó.
Theo giới phân tích, trong một xã hội “siêu kết nối” như vậy, một mối đe dọa đối với bất cứ lĩnh vực nào trong mạng lưới cũng sẽ đe dọa toàn bộ hệ thống mạng. Bởi tính phụ thuộc vào 5G càng cao thì sự rủi ro càng lớn, cho dù sự cố do vô tình hay hữu ý đều có thể gây ra thảm họa ở quy mô lớn và có tính toàn cầu.
Chẳng hạn, sự trục trặc trong điều dẫn hoạt động từ xa có thể cướp đi sinh mạng của bệnh nhân đang phẫu thuật; xe tự lái có thể gây tai nạn; thành phố thông minh, hệ thống giao thông, một nhà máy tự động hóa có nối mạng IoT bị mất điện; rò rỉ thông tin mật khiến an ninh quốc gia bị đặt vào tình huống nguy cấp...
Khi tất cả các thiết bị được kết nối thì cơ hội phá hoại cho các cuộc tấn công mạng cũng gia tăng. Vì thế, cơ quan An ninh mạng châu Âu (ENISA) đã cảnh báo mạng di động 5G có tốc độ siêu nhanh sẽ kéo theo nguy cơ rất cao về an ninh mạng.
Mỹ hiện lo ngại rằng thiết bị viễn thông Trung Quốc có thể tạo nền tảng cho tình báo, do thám của Bắc Kinh, khiến Tổng thống Mỹ D. Trump ngày 15/5 đã ký sắc lệnh cấm các tập đoàn Mỹ sử dụng trang thiết bị viễn thông của các công ty ngoại quốc bị cho là “đe dọa an ninh” Mỹ, đồng thời hối thúc các nước đồng minh nên làm theo.
Theo giới chuyên gia, những tiềm ẩn nguy cơ về an ninh mạng 5G mà tội phạm mạng có thể truy cập đó là: (1) Lấy cắp dữ liệu; (2) Kiểm soát các dịch vụ trọng yếu; (3) Phá hoại kết cấu hạ tầng; (4) Gây gián đoạn đường truyền; (5) Gây ảnh hưởng lớn về an toàn và an ninh kinh tế.
Hiện nay các nhà mạng đang sử dụng các băng tần trong khoảng 600 MHz đến 2,6 GHz, trong khi 5G cần một dải tần số cao hơn, bao gồm sóng milimet. Một số nhà mạng đã công bố tần số để triển khai mạng 5G như: 600 MHz của T-Mobile; 2,5 GHz của Verizon, 6 GHz thậm chí là 30 GHz của AT&T.
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/