Làm khoa học kiểu hành chính thì rất khó khăn
Cập nhật lúc : 09:00 01/06/2015
Để có một cơ chế chính sách thông thoáng phục vụ cho việc phát triển khoa học, công nghệ, theo tôi trước tiên cần phải đổi mới tư duy. Có lẽ, chúng ta cần phải tham khảo thêm những cách làm, cách nghiên cứu về khoa học, công nghệ như các nước phát triển trên thế giới. Nếu làm khoa học như kiểu hành chính này thì rất khó khăn. Đây là chia sẻ của Giám đốc Sở khoa học, công nghệ tỉnh Bắc Giang Nguyễn Đức Kiên với PV Báo ĐBND.
- Năng suất lao động là một trong những vấn đề quyết định đến sự phát triển, cạnh tranh và hội nhập. Vậy, tỉnh Bắc Giang chú trọng đầu tư những gì để nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp địa phương?
Giám đốc Nguyễn Đức Kiên: Xác định năng suất lao động quyết định đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang đã tham mưu một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể như: dự án nâng cao chất lượng cho các doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các giải thưởng chất lượng.
Chúng tôi nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan Trung ương về chuyển giao những cây, con giống mới trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng năng suất cho đơn vị trên diện tích canh tác. Những dự án này đã làm thay đổi về năng suất, thay đổi đến kinh tế - xã hội của tỉnh. Ví dụ: dự án vải thiều Lục Ngạn và gà đồi Yên Thế…
Về vải thiều Lục Ngạn khi có chỉ dẫn địa lý, áp dụng ViệtGAP vào trong sản suất thì đã cho ta thấy ngay được hiệu quả, đó là giá trị quả vải tăng lên và giá bán được nâng lên; về gà đồi Yên Thế cũng vậy, khi chúng tôi xây dựng chỉ dẫn địa lý cho con gà, nhờ đó mà con gà đã thoát ra khỏi địa phương Bắc Giang, đã được tiêu thụ ở các siêu thị lớn tại Hà Nội.
- Thưa Ông, ở địa phương gặp phải những khó khăn gì trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách khoa học, công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghệ?
Giám đốc Nguyễn Đức Kiên: Chúng tôi cho rằng, để đổi mới được công nghệ thì các doanh nghiệp cần phải có tiềm lực lớn. Đây là vấn đề nếu chúng ta đổi mới công nghệ, mà trình độ khoa học, công nghệ để đổi mới đấy thấp kém thì lại rất khó khăn. Cho nên, cần có một nguồn lực lớn để hỗ trợ cho việc đổi mới công nghệ.
Ở Trung ương đã có các chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Tuy nhiên, dự án này chỉ phù hợp với các cơ quan ở trung ương, còn ở địa phương để vào được chương trình đổi mới khoa học, công nghệ quốc gia này thì rất khó khăn. Cho nên, chúng tôi mong muốn, Trung ương tiếp tục sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách này, để làm sao tạo cho địa phương cũng như các doanh nghiệp ở địa phương cũng được thụ hưởng các chính sách này.
Bắc Giang hiện nay vẫn chưa ban hành được cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới khoa học, công nghệ. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho HĐND tỉnh để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học, công nghệ được hỗ trợ cơ chế này.
Mặc dù điều kiện kinh tế của Bắc Giang vẫn còn nhiều khó khăn, chưa phải là tỉnh có nhiều nguồn lực, cho nên, chúng tôi chỉ mong muốn rằng tỉnh sẽ dành một phần nhỏ nguồn lực để hỗ trợ đầu tư cho việc phát triển khoa học, công nghệ, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển khoa học, công nghệ. Và tôi tin chắc rằng, khi mà được hỗ trợ thì sẽ tháo gỡ được một số khó khăn cho các doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong tỉnh.
- Vải thiều của Bắc Giang xuất khẩu sang Mỹ có phải là thành quả ban đầu của việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào nông nghiệp nông thôn, thưa ông?
Giám đốc Nguyễn Đức Kiên: Năm 2014, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chấp thuận đồng ý nhập 600 tấn vải của Việt Nam, trong đó, tập trung chủ yếu là vải thiều Bắc Giang. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có 18.000ha vải thiều, năm 2014 đã thu được 2.300 tỷ. Đây là nguồn thu tương đối lớn của bà con trong tỉnh. Trước đây, quả vải của chúng ta chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường như là Trung Quốc và một vài thị trường gần xung quanh chúng ta. Vì thế, khi Mỹ đồng ý nhập vải thiều thì đây là cơ hội rất lớn để nâng cao giá trị quả vải Bắc Giang. Tuy nhiên, quy định ở bên Mỹ để vải thiều Việt Nam xâm nhập vào thị trường của họ, tiêu chuẩn đặt ra cho mình là rất cao. Từ chuyện xây dựng vùng nguyên liệu, đến theo tiêu chuẩn là GLOBALGAP (tức là tiêu chuẩn châu Âu), đến việc công nghệ bảo quản thì đây là vấn đề ngoài sức thực hiện của địa phương tỉnh Bắc Giang.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã về làm việc với Bắc Giang và đồng ý hỗ trợ cho tỉnh công nghệ để bảo quản quả vải khi xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó, công nghệ chính là công nghệ CES của Nhật Bản. Công nghệ CES của Nhật Bản bảo quản được quả vải sau hai năm mà vẫn giữ nguyên được chất lượng, màu sắc quả vải như khi mới hái từ trên cây xuống. Qua đó, chúng tôi đã kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ và bộ đã đồng ý cho những doanh nghiệp nào mà có nhu cầu cùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ thì sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang xây dựng dự án này. Như vậy, khi vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các thị trường khác sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho thị trường nông sản của Bắc Giang nói riêng và của Việt Nam nói chung.
- Để nâng cao chất lượng sản phẩm của địa phương, Ông có mong muốn gì từ cơ chế chính sách về khoa học, công nghệ của Nhà nước?
Giám đốc Nguyễn Đức Kiên: Từ khi có Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới, phát triển khoa học, công nghệ trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, khoa học, công nghệ thực sự mới được quan tâm hơn. Tuy nhiên, để so với các ngành khác thì ngành khoa học, công nghệ còn rất nhiều khó khăn. Vì thế, để có một cơ chế chính sách thông thoáng phục vụ cho việc phát triển khoa học, công nghệ, theo tôi trước tiên cần phải đổi mới tư duy. Có lẽ, chúng ta cần phải tham khảo thêm những cách làm, cách nghiên cứu về khoa học, công nghệ như các nước phát triển trên thế giới. Nếu làm khoa học như kiểu hành chính này thì rất khó khăn. Chúng ta có một cơ chế, chính sách thông thoáng, tức là không hành chính hóa, có một cơ chế tài chính rõ ràng, cơ chế tài chính đó được giao quyền tự chủ cho người nghiên cứu và chúng ta khoán kinh phí đến sản phẩm; nếu chúng ta làm được như vậy tôi cho rằng sẽ xóa được những thủ tục rất phiền hà.
Bên cạnh đó, chúng tôi mong rằng, Trung ương cần sửa đổi lại tỷ lệ kinh phí cho khoa học, công nghệ. Theo đó, để tăng kinh phí cho sự nghiệp khoa học, công nghệ phải giảm kinh phí đầu tư phát triển khoa học, công nghệ. Bởi vì, theo Nghị định 95 của Chính phủ thì các địa phương chỉ có một số hạng mục nằm trong hạng mục đầu tư tiềm lực khoa học, công nghệ. Nếu đầu tư xong rồi, vấn đề triển khai thực hiện thì phải lấy kinh phí đầu tư từ sự nghiệp khoa học, công nghệ.
Đặc biệt, chúng tôi cũng mong muốn rằng, cần phải xem lại cơ chế đấu thầu trong các dự án khoa học, công nghệ, cơ chế đấu thầu khi thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Bởi vì, khoa học, công nghệ có tính đặc thù riêng. Nếu mà, chúng ta đấu thầu theo như kiểu trong các dự án xây dựng cơ bản thì rất khó khăn và sẽ chậm tiến độ so với nhiệm vụ đề ra.
- Xin trân trọng cảm ơn Ông!
Người đại biểu nhân dân
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/