In trang

Khoa học công nghệ đồng hành với sự phát triển của ngành dược
Cập nhật lúc : 09:17 12/07/2014

Triển khai Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, theo Quyết định phê duyệt 1244/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; vừa qua, Bộ Y tế đã đánh giá 5 năm thực hiện chương trình này và tổ chức Hội thảo Khoa học công nghệ đồng hành với sự phát triển của ngành dược. Tại Hội thảo, GS.TS LÊ QUANG CƯỜNG, THỨ TRƯỞNG BỘ Y TẾ đã trao đổi với PV báo ĐBND.

Xin Thứ trưởng cho biết hiệu quả và ý nghĩa Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng đối với sự phát triển của ngành dược?


- Khoa học và công nghệ là nền tảng và động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển nhanh và bền vững đất nước và ngành y tế. Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng là một trong các chương trình được đánh giá đạt hiệu quả nhất. Tất cả các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc chương trình đã bám sát những yêu cầu thực tế của ngành y. Những kết quả nghiên cứu của chương trình có ý nghĩa rất quan trọng nâng cao trình độ khoa học công nghệ về Y - Dược học, giúp tiếp cận với trình độ của các nước trong khu vực và thế giới.

 

Trong lĩnh vực dược, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, ngành dược những năm gần đây đã có bước phát triển mạnh. Đặc biệt từ khi Bộ Y tế ban hành tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), và tích cực đổi mới công nghệ trong lĩnh vực sản xuất thuốc. Về công nghệ, các nhà máy đã đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại và tiên tiến. Cụ thể, nền công nghiệp dược đã có 130 nhà máy sản xuất thuốc và 4 nhà máy sản xuất vaccine đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó nhiều nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP của châu Âu và gần 100% các loại thuốc, vaccine lưu hành trên thị trường đạt tiêu chuẩn này, chiếm gần 50% tổng giá trị thuốc tiêu thụ hằng năm. Nhiều đơn vị sản xuất thuốc từ dược liệu đã đầu tư triển khai công nghệ trồng và thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn thực hành trồng trọt và thu hái tốt (GACP). Về khoa học, nhiều nhà máy sản xuất và đầu tư xây dựng labo nghiên cứu với các trang thiết bị hiện đại và đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản để nghiên cứu, sản xuất các dạng thuốc phù hợp nhu cầu điều trị, an toàn và chất lượng.

 

- Cụ thể trong 5 năm triển khai Chương trình, kết quả đạt được như thế nào, thưa Thứ trưởng?


- Trong những năm qua, chương trình đã triển khai trên 20 nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước tập trung vào nghiên cứu tạo ra các dạng dược phẩm bào chế đặc thù như thuốc tiêm đông khô, thuốc giải phóng hoạt chất chậm theo cơ chế thẩm thấu, dạng thuốc điều trị tại đích: liposome và nanosome, thuốc tiêm paclitaxel, vaccine Rota, thuốc có nguồn gốc sinh học và các thuốc có nguồn gốc từ dược liệu phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe con người. Bên cạnh đó, các đơn vị trong ngành dược đã thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp bộ, đặc biệt các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để nghiên cứu khoa học nhằm phát triển sản xuất. Một số doanh nghiệp đã cập nhật và chọn lọc kết quả nghiên cứu ở nước ngoài và triển khai áp dụng để tiết kiệm về kinh phí và thời gian, đây là hướng đi đúng cần phải phát huy trong thời gian tới. Những kết quả đã đạt được đã khẳng định rằng chương trình có vai trò rất quan trọng  trong tiến trình phát triển của ngành dược.

 

Nguồn: ITN


- Theo Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, rất nhiều mục tiêu quan trọng được đặt ra, vậy Bộ Y tế đã có những giải pháp nào triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược đề ra, thưa Thứ trưởng?


- Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặc biệt chú trọng phát triển ngành dược, trong đó đề cao nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất dược phẩm. Vì vậy việc xây dựng nhiệm vụ khoa học công nghệ cho phát triển ngành dược từ nay đến năm 2020 được Bộ Y tế xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và luôn bám sát quan điểm phát triển của chiến lược để có những giải pháp cụ thể thích hợp thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra. Hiện nay, ngành dược đang đầu tư xây dựng đề án Quy hoạch chi tiết phát triển công nghiệp dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 nhằm quy hoạch, phân bố các nhà máy sản xuất thuốc trong nước theo định hướng khuyến khích sản xuất thuốc gốc để giảm giá thành sản phẩm. Xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích sản xuất thuốc gốc nhằm giảm giá thành để ưu tiên cung ứng cho hệ thống cơ sở khám chữa bệnh công lập. Tăng nguồn cung ứng thuốc để cân bằng cung - cầu thị trường dược phẩm bằng việc tăng 8,38% số lượng doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại ViệtNamvà tăng chất lượng, số lượng thuốc sản xuất trong nước.

 

Những kế hoạch mà ngành dược đưa ra trong 10 năm tới rất có triển vọng nhưng để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Y tế rất cần sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các bộ, ngành liên quan và cố gắng lớn của các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp. Mục tiêu của chúng ta là mọi người bệnh ViệtNamđược chữa bệnh bằng thuốc tốt, đạt chuẩn quốc tế với giá thành rẻ.

 

- Xin cám ơn Thứ trưởng!


 Mục tiêu Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược là: Đến năm 2020 có 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng và chữa bệnh, phấn đấu sản xuất được 20% nguyên liệu cho sản xuất thuốc, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ/năm, vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu tiêm chủng dịch vụ.


Người đại biểu nhân dân