In trang

Chương trình nông thôn miền núi: thúc đẩy ứngdụng KH&CN vào sản xuất
Cập nhật lúc : 13:49 08/03/2015

Qua 3 giai đoạn thực hiện, Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” (NTMN) đã đạt được nhiều kết quả, góp phần thiết thực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trong cả nước. Các dự án NTMN đã thực sự tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN, thúc đẩy liên kết 4 nhà trong sản xuất, góp phần nâng cao trình độ sản xuất, dân trí và cải thiện đời sống nhân dân, từng bước hình thành thị trường công nghệ ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào sản xuất...

 

Chương trình NTMN được Bộ KH&CN triển khai từ năm 1998. Đây là chương trình có tính chất liên ngành, liên vùng, được thực hiện thông qua các dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ; đào tạo, tập huấn nghiệp vụ và hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực NTMN. Các dự án được thực hiện thành công là cơ sở để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hoá, nông sản của các địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư ở NTMN - vùng có điều kiện tự nhiên, xã hội khó khăn của đất nước.

 

Từ năm 1998 đến nay, Chương trình NTMN được triển khai qua 3 giai đoạn (1998-2002, 2004-2010, 2011-2015) với mục tiêu: xây dựng các mô hình ứng dụng và chuyển giao KH&CN tiên tiến phù hợp vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản tại địa bàn NTMN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hoá nông sản trên thị trường trong và ngoài nước; từng bước hình thành thị trường công nghệ và dịch vụ ở nông thôn, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu KH&CN vào sản xuất và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực NTMN theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; liên kết và phối hợp giữa Chương trình NTMN với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương về nông nghiệp, nông thôn, các chương trình nghiên cứu khoa học, chương trình mục tiêu quốc gia khác để nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực của Nhà nước và huy động tối đa nguồn lực của xã hội, góp phần phát triển sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho nông dân, thực hiện mục tiêu chiến lược tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo; thông qua việc triển khai các mô hình ứng dụng, chuyển giao KH&CN, kết hợp với các hình thức đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ kỹ thuật cơ sở và nông dân nhằm hình thành mạng lưới cán bộ kỹ thuật và đội ngũ cộng tác viên cơ sở có trình độ phù hợp, giúp các địa phương chủ động tìm kiếm, lựa chọn và thực hiện các dự án ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Qua 3 giai đoạn triển khai, đã có 845 dự án được thực hiện tại 62 tỉnh/thành phố trong cả nước thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: trồng trọt; chăn nuôi; thủy sản; trồng trọt kết hợp chăn nuôi, thủy sản; công nghệ sinh học; công nghệ bảo quản chế biến; ứng dụng công nghệ xử lý nước sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn và tiết kiệm năng lượng... Tổng kinh phí thực hiện qua 3 giai đoạn là hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương chiếm 39,4%, huy động từ ngân sách địa phương, doanh nghiệp và người dân chiếm 60,6%. Với gần 40% kinh phí thực hiện Chương trình là từ ngân sách nhà nước cho thấy, Chương trình đã thực hiện tốt việc xã hội hóa nguồn vốn đầu tư. Có được điều này là nhờ Chương trình đã tạo ra một phương thức thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư cho ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN làm cho hoạt động nghiên cứu gắn với thực tiễn của địa phương, giúp người dân được hưởng những thành quả do KH&CN mang lại.

 

Thông qua việc thực hiện 845 dự án, Chương trình đã huy động được hàng nghìn cán bộ khoa học từ hơn 80 cơ quan KH&CN ở trung ­ương và địa phư­ơng tham gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Kết quả đã chuyển giao được hơn 4.700 lượt công nghệ vào sản xuất; đào tạo hơn 11 nghìn kỹ thuật viên cơ sở, đào tạo ngắn hạn cho trên 1.700 cán bộ quản lý KH&CN ở địa phương; tập huấn cho hơn 230 nghìn lượt nông dân; sử dụng khoảng 128 nghìn lao động tại chỗ, giúp các địa phương góp phần giải quyết được tình trạng lao động dôi dư và tăng thu nhập cho nông dân.

 

Chương trình đã lựa chọn được những công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện sản xuất của các địa phương; xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng KH&CN có hiệu quả hướng vào giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội có tầm quan trọng đối với địa phương, như nâng cao năng suất, chất lượng và đa đạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá, có tiềm năng về thị trường và phát huy lợi thế của từng vùng; hỗ trợ các doanh nghiệp hiện có ở nông thôn đổi mới công nghệ cũng như hỗ trợ hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy các lợi thế cạnh tranh của địa phương.

 

Thành công của các dự án thuộc Chương trình NTMN không chỉ mang lại hiệu quả về mặt KH&CN là giúp các địa phương tiếp nhận, làm chủ nhiều công nghệ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa nông sản, thủy sản, chăn nuôi theo quy mô công nghiệp phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu... mà còn mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội và môi trường.

 

Về hiệu quả kinh tế: hầu hết các dự án của Chương trình trong 3 giai đoạn thực hiện đều mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp một cách rõ rệt cho đơn vị cơ sở thực hiện dự án, thể hiện ở sự gia tăng doanh thu hay lợi nhuận so với trước khi thực hiện dự án hoặc so với đơn vị cơ sở không thực hiện dự án.Bên cạnh đó, các dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế gián tiếp rất quan trọng: từ 845 dự án của Chương trình được thực hiện đã xây dựng được hơn 2.500 mô hình sản xuất. Các mô hình này chính là những mẫu hình về chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN có tính đại diện cho địa bàn triển khai, do chính người dân sau khi được tập huấn kỹ thuật trực tiếp thực hiện, đó chính là các điểm trình diễn cho các tổ chức và cá nhân người nông dân đến tham quan học tập, từ đó tạo được sức lan tỏa cho các tổ chức và cá nhân khác đầu tư vốn để tổ chức sản xuất nhân rộng kết quả của mô hình. Việc nhân rộng mô hình chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN là mục tiêu nói riêng của Chương trình NTMN và cũng là yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng NTMN.

 

Về hiệu quả xã hội:việc thực hiện các dự án NTMN đã mang lại hiệu quả xã hội rất lớn. Các dự án được triển khai đã thu hút được hơn 29 nghìn lao động trực tiếp và gần 100 nghìn lao động gián tiếp tham gia sản xuất, nhất là khi các mô hình áp dụng tiến bộ KH&CN được lan tỏa và nhân rộng sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới, góp phần đáng kể trong việc giải quyết lao động dôi dư, lao động nông nhàn ở khu vực NTMN. Kết quả thực hiện các dự án đã làm tăng năng suất và chất lượng của cây trồng, vật nuôi..., từ đó tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người dân tham gia dự án. Các dự án đã góp phần ổn định sản xuất bền vững, bình ổn giá cho người nông dân... Vì thế, các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN nhanh chóng được nhân rộng, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo ở các vùng NTMN, hạn chế được tình trạng chuyển dịch lao động tự do từ nông thôn ra thành thị.

 

Bên cạnh đó, các dự án còn góp phần nâng cao trình độ nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp theo phương thức công nghiệp, giúp họnhanh chóng tiếp thu những thành tựuKH&CNmớitrong và ngoài nước.Thông qua các dự án đã đào tạo, phát triển được nguồn cán bộ kỹ thuật nòng cốt và đội ngũ cộng tác viên trực tiếp ở địa phương. Lực lượng này sẽ tiếp tục nhân rộng và phổ cập các kết quả của Chương trình khi cán bộ chuyển giao công nghệ rút khỏi địa bàn.

 

Về hiệu quảbảo vệmôi trường: Chương trình đã hỗ trợ 122 dự án thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học phục vụ cho việc trồng nấm và sản xuất phân bón vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, bã mía, mùn cưa… Khi các sản phẩm này đã có giá trị sử dụng và trở thành hàng hóa bán ra thị trường thì người nông dânsẽ cóý thức tận dụng, thu gom đểcung cấp cho dự án, vừa có tác dụng tăng thu nhập,vừa góp phầngiảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, xử lý nước sạch, tưới tiết kiệm đã có 68 dự án được thực hiện thành công, góp phần làm giảm khí thải công nghiệp, bảo vệ tài nguyên nước.

 

Các dự án sản xuất rau, quả an toàn theo hướng VietGap đã tiết kiệm và giảm thiểu một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, các chất hóa học ra môi trường, tạo ra sản phẩm sạch bảo vệ sức khỏe người dân; đồng thời tạo ra một cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp cho một vùng nông thôn ven đô, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

 

Có thể nói, trên mọi miền đất nước, các dự án thuộc Chương trình NTMN đã tạo ra hình ảnh, động lực và nhận thức của người nông dân về hiệu quả, vai trò của KH&CN đối với sản xuất và đời sống của nhân dân khu vực NTMN, góp phần thực hiện thành công chính sách của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội khu vực NTMN.

(khoahocvacongnghevietnam.com.vn)