In trang

Chạy theo làn sóng công nghệ: Kỹ năng làm việc quan trọng hơn bằng cấp
Cập nhật lúc : 10:40 11/05/2018

Một bản phân tích trên mạng nghề nghiệp LinkedIn cho thấy, trong các năm 2013 - 2017 đã diễn ra cuộc chuyển dịch nghề nghiệp lớn tại các nước Đông Nam Á, điển hình nhất là tại Singapore nơi làn sóng công nghệ lên tới cao trào.

Bản báo cáo của LinkedIn cho biết năm nghề nổi lên mạnh mẽ trong khoảng thời gian 2013-2017 là nghiên cứu dữ liệu, chuyên viên an ninh mạng, thiết kế sự trải nghiệm khách hàng, giám đốc kỹ thuật số và nghề sản xuất nội dung số. Số công việc có liên quan đến năm lĩnh vực này tại Singapore gần như tăng đột biến, gấp 17 lần trong lĩnh vực nghiên cứu dữ liệu, 5,5 lần về an ninh mạng, 3,4 lần về thiết kế và gấp 3 lần cho mỗi trong hai công việc còn lại.

Hướng đến giải pháp chuyển dịch việc làm

Tự động hóa với những robot và trí khôn nhân tạo làm người ta lo sợ, và trong hầu hết những bài viết người ta thấy đó là một thứ bi kịch. Nhưng dần dà các nhà nghiên cứu, nhà phân tích, nhà quản trị cũng như nhà hoạch định chính sách nhận ra rằng thực chất đây là một cuộc chuyển dịch việc làm và nay những cuộc nghiên cứu tập trung vào giải pháp để cuộc chuyển dịch tất yếu này diễn ra suôn sẻ, tại mỗi nước, mỗi ngành và trong mỗi giai đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Trong khi đó tại Diễn đàn kinh tế vừa tổ chức tại Tianjin (Trung Quốc), những con số cho thấy từ đây đến năm 2022 sẽ có đến 35% số nhân sự ngành tài chính và đầu tư bị thay thế bằng người máy; các cánh tay máy sẽ thay thế 53% số nhân sự trong các ngành hàng không, sản xuất xe và cung ứng hậu cần; 52% số nhân sự chủ yếu làm việc trên dàn khoan dầu và dưới biển cũng được thay thế bởi robot; và 42% lực lượng lao động trong ngành cơ giới nặng như làm đất hay khai thác khoáng sản cũng sẽ được thay thế bằng các cổ máy tự động khổng lồ.

Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Tianjin hay Diễn đàn kinh tế Davos Mùa hè diễn ra từ ngày 19 đến 21-9 với sự tham dự của 80 quốc gia và 2.000 doanh nghiệp đã công bố bản báo cáo  đặc biệt về việc làm dưới nhan đề “Future of Jobs” nhắm đến khuynh hướng chuyển dịch việc làm nơi 12 lĩnh vực kinh tế trọng yếu tại 20 nền kinh tế thế giới trong thời gian từ 2018 đến 2022. Báo cáo cho biết 75 triệu việc làm hiện nay của con người sẽ được thay thế bởi máy và thuật toán, nhưng bù lại trong thời gian này 133 triệu việc làm mới được tạo ra cho con người. Trên bức tranh vĩ mô, người ta có thể cảm nhận sự yên tâm nhưng trong thực tế từng nước, từng ngành nghề và cụ thể là từng người lao động thì thực sự là cuộc đột phá khủng khiếp. Một số rất lớn người lao động hoặc phải tái trang bị kỹ năng hoặc bị mất việc. Theo bà Giám đốc Participe Hilary Cottam thì “đây là một quá trình chuyển đổi xương máu. Chúng ta phải nghĩ ra những hình thức hỗ trợ mới cho họ. Các tổ chức lao động và xã hội cần phải thay đổi đến tận gốc”.

Ở một bản báo cáo khác thực hiện bởi Cisco và Oxford Economics cũng công bố trong tháng 9-2018 cho thấy bức tranh chuyển dịch việc làm tại sáu quốc gia lớn ở Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Những bản phân tích tỉ mỉ trong báo cáo “Technology and the future of ASEAN jobs - The impact of AI on workers in ASEAN’s six largest economies” không tạo nên sự ngạc nhiên khi tất cả sáu nước đều đang chuẩn bị cho lộ trình cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng lại cho thấy rõ hơn những giải pháp mà mỗi nước, mỗi ngành có thể chọn lựa làm cho cuộc chuyển dịch việc làm trở nên êm thắm. Báo cáo trình bày tại trang https://www.cisco.com đề cập đến hai vấn đề lớn là tác động dịch chuyển công nghệ lên việc làm tại ASEAN-6 và làm cách nào mà công nghệ tạo nên những việc làm mới cho khu vực. Báo cáo cũng cho thấy bức tranh việc làm Đông Nam Á vào năm 2028 và đề cập đến những thách thức trong việc tái đào tạo những kỹ năng người lao động cũng như những thay đổi cần thiết đối với nền giáo dục trong thời đại tự động hóa.

Chuyển dịch việc làm tại Đông Nam Á sẽ rất lớn

Trong số 275 triệu việc làm toàn thời hiện hữu tại Đông Nam Á thì từ nay đến 2028, nghĩa là trong mười năm tới có đến 28 triệu việc làm phải chuyển dịch bởi các mức độ xâm nhập của tự động hóa. Indonesia là nước có số việc làm bị chuyển dịch lớn nhất, 9,5 triệu chiếm 8% lực lượng lao động. Việt Nam đứng hàng thứ nhì với 7,5 triệu việc làm nhưng chiếm đến 14% lực lượng lao động. Số việc làm phải dịch chuyển tại Thái Lan là 4,9 triệu chiếm 12%; tại Malaysia là 4,2 triệu chiếm 7%; tại Philippines là 1,5 triệu chiếm 10%; và tại Singapore là 0,5 triệu chiếm 21% lực lượng lao động của nước này. Ở một bức tranh khác, việc chuyển dịch lao động lớn nhất nơi các nước ASEAN trong mười năm tới nằm ở ngành nông nghiệp, ảnh hưởng đến 9,9%  tổng lực lượng lao động. Ngành buôn sĩ bán lẻ và ngành cơ khí chế tạo bị ảnh hưởng tương đương với 4,4% và 4,3%; ba ngành xây dựng, khách sạn nhà hàng, và vận tải sẽ lần lượt bị ảnh hưởng đến 2,0%, 1,7% và 1,3%. Cả hai bức tranh đều cho thấy Việt Nam đang ở trong tư thế phải chuẩn bị sẵn sàng nhất cho cuộc chuyển dịch việc làm vốn rất căng thẳng trong những năm tới.

Trước đây người ta nói đến phần cứng, phần mềm, robot và sự tự động hóa nhưng ngày nay nguyên nhân tạo nên sự đào thải lao động cũng như chuyển dịch việc làm lại chính là công nghệ trí khôn nhân tạo tích hợp vào trong những nơi đó. Ở các mức độ chuyển dịch, từ đào thải đến tái đào tạo hay tìm việc làm mới đều dẫn đến những thay đổi lớn trong đời sống và mỗi loại công việc đều đòi hỏi những kỹ năng mới khác với những yêu cầu trước đây. Ý niệm về sự dịch chuyển công việc được nhấn mạnh trong mấy năm gần đây vì mang tính giải pháp tích cực so với ý niệm về mất việc. Hai lý do để chọn giải pháp dịch chuyển, thứ nhất một khi trí khôn nhân tạo thay thế tần suất lao động của con người thì cũng tạo cho con người vị trí việc làm mới mà trên thực tế còn cao hơn và nhiều hơn; thứ hai là mỗi một việc làm trong tương lai đều đòi hỏi những kỹ năng mới và điều này đòi hỏi người lao động phải chấp nhận tái đào tạo, nói cách khác thị trường việc làm trong các năm tới sẽ không thiếu chỗ làm, chỉ có thể thiếu kỹ năng để đảm nhận công việc thích hợp.

Ở các trình độ và đặc trưng kinh tế khác nhau, sự chuyển dịch việc làm nơi mỗi nước Đông Nam Á cũng khác nhau. Trong 10 năm tới, bốn nước có khối lượng công việc phải chuyển dịch lớn nhất lần lượt là Indonesia (9,5 triệu việc làm), Việt Nam (7,5 triệu), Thái Lan (4,9 triệu) và Philippines (4,5 triệu). Bản báo cáo của Cisco và Oxford Economics cho thấy áp lực dịch chuyển mạnh nhất đối với Singapore cả về trình độ công việc và tỷ lệ (21%) việc làm, mặc dầu số người bị ảnh hưởng chỉ vào khoảng nửa triệu. Áp lực chuyển dịch việc làm không đến nổi quá lớn đối với Indonesia, nơi có đến 9,5 triệu người phải thay đổi nhưng thị trường nhân công giá rẻ sẽ còn tồn tại lâu dài. Ngược lại áp lực chuyển dịch mạnh nhất tại Việt Nam và Thái Lan tương ứng với 14% và 12% tổng số lao động mỗi nước phải thay đổi việc làm bởi sức ép công nghệ. Động lực chuyển dịch việc làm ở đây khác hẳn với Singapore. Ở đây các việc làm kém sinh lợi và những công việc đơn điệu sẽ sớm biến mất, bởi một lý do chung là cả hai đều coi nền nông nghiệp là trọng điểm. Áp lực chuyển dịch nhẹ hơn ở Malaysia nơi từ lâu đã đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp xuất khẩu và ở Philippines nơi đã hình thành đội ngũ hàng triệu nhân viên bậc cao trong các trung tâm công nghệ BPO và KPO.

Chìa khóa việc làm

Nói đến chuyển đổi số, người ta nói đến sự đột phá vào lực lượng lao động, nhưng đây là lần đầu tiên một cuộc nghiên cứu đưa ra những con số cụ thể cho bức tranh vệc làm nơi các nước ASEAN trong mười năm tới. Trong bức tranh này, 6,6 triệu việc làm hiện nay sẽ biến mất, bao gồm 2 triệu tại Indonesia, 1,1 triệu tại Philippines, 85.000 tại Singapore, 1,3 triệu tại Thái Lan, 250.000 tại Malaysia, và 1,8 triệu tại Việt Nam. Như vậy, trong số 28 triệu việc làm phải chuyển dịch tại các nước ASEAN cho đến 2028 thì còn có khoảng 6,6 triệu người không đủ khả năng thích ứng với công việc mới mà nguyên nhân là họ không thể đáp ứng kỹ năng tối thiểu. Bản báo cáo cho biết 41% trong số 6,6 triệu nhân tố này thiếu hẳn kỹ năng công nghệ, gần 30% không có khả năng giao tiếp như thương lượng, thuyết phục hay thực hiện dịch vụ khách hàng và 25% thiếu cả những kỹ năng căn bản như đọc, viết và học hỏi. Với Việt Nam, 90% những việc làm biến mất là từ khu vực nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và điều này cho thấy áp lực việc làm trong tương lai tại đây sẽ dồn lên các đô thị.

Sự phân tích của nhóm nghiên cứu Oxford Economics cho thấy tại Việt Nam trong mười năm tới, nếu không có biện pháp đột phá nào, thì 3,4 triệu nông dân (tương đương với 17,1% lực lượng lao động nông thôn) sẽ không còn việc làm, cùng với đó là 1,3 triệu người trong các ngành sản xuất (chiếm 13,2%) và 840.000 người trong ngành thương mại (chiếm 10,9%). Bù lại sẽ có thêm 1,7 triệu việc làm mới trong ngành sản xuất chế tạo, 1,6 triệu việc làm mới trong ngành buôn sĩ bán lẻ, và 1,3 triệu việc làm mới trong ngành khách sạn - nhà hàng. Nhìn chung, Việt Nam đang được hưởng lợi từ thị trường lao động có tính di động cao với một đội ngũ đông đảo những người trẻ thành thạo công nghệ và trong khi khu vực đô thị sẽ phát triển dựa vào mạng di động thế hệ thứ 5 (5G) thì khu vực nông thôn sẽ nhanh chóng được số hóa với hệ thống thiết bị Internet Vạn vật (IoT).

Nhưng các nhà nghiên cứu sợ rằng việc áp đặt những giới hạn sẽ ảnh hưởng đến mức nào đó trong việc sử dụng các công nghệ điện toán đám mây, điện toán phân tán tức công nghệ blockchain và ứng dụng trí khôn nhân tạo. Con số 1,8 triệu lao động dư dôi sẽ là gánh nặng rất lớn cho nhu cầu tái đào tạo và thêm vào đó hệ thống giáo dục cũng chưa được cập nhật để những người ra trường thích ứng với việc làm mới.

Kỹ năng việc làm là một đối tượng thiết thực, không chỉ cho riêng từng người lao động hay giới học sinh, sinh viên sẽ ra trường mà còn cho cả các nhà giáo dục và nhà nghiên cứu, cũng như cho các tổ chức xã hội mà trong tương lai sẽ góp phần rất lớn vào quá trình chuyển dịch việc làm tại các nước Đông Nam Á. Trong hệ thống giáo dục nặng về học vị với những giáo khoa và giáo trình định sẵn như hiện nay thì việc phát triển kỹ năng nơi từng cá nhân học viên sẽ bị giới hạn, trong nhiều trường hợp là những kỹ năng của thầy (dạy) chứ không phải của trò (phát triển). Một nền giáo dục tốt sẽ hướng dẫn cho học sinh, sinh viên hay học viên tự phát triển kỹ năng theo những nhóm sở trường và rồi họ nhận ra vị trí việc làm thich hợp với họ nhờ nhận ra chính kỹ năng của từng người trong họ. Trong thời đại tự động hóa, sáu nhóm kỹ năng sau đây được đặc biệt chú ý: Trước hết là kỹ năng cơ bản; thứ hai là kỹ năng nhận thức khả dĩ giải quyết vấn đề; thứ ba là kỹ năng giao tiếp; bốn là kỹ năng công nghệ; năm là kỹ năng điều hành; và sáu là kỹ năng quản lý tài nguyên. Không phải là tương lai mà ngay từ bây giờ giới tuyển dụng đã nhắm tới kỹ năng hơn là bằng cấp. (TSGT)