Chậm chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ hàng loạt cơ hội
Cập nhật lúc : 09:53 10/05/2018
Khảo sát do Fujitsu thực hiện với 1.600 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp cho thấy, có tới 66% nhận định dự án số hóa thất bại làm chậm trễ những nỗ lực cho tương lai; 71% lo lắng về khả năng doanh nghiệp ứng phó với những biến đổi.
Theo thông tin được đại diện Fujitsu đưa ra tại sự kiện Fujitsu World Tour 2018 ngày 24/10, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh hiện nay, các doanh nghiệp đang “đau đầu” với hàng loạt câu hỏi như: Cần ứng phó như thế nào với những biến động trong tương lai? Làm thế nào để có thể biến các dữ liệu thành giá trị kinh doanh? Đâu là yếu tố dẫn tới thành công trong kinh doanh?
Trong bối cảnh đó, một khảo sát do Fujitsu thực hiện với 1.600 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp cho thấy, có tới 66% nhận định dự án số hóa thất bại làm chậm trễ những nỗ lực cho tương lai; 71% lo lắng về khả năng doanh nghiệp ứng phó với những biến đổi.
Để có thể thích ứng với sự thay đổi, tăng tốc trong hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn và đầu tư cho chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ mới nhất như AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet kết nối vạn vật), Cloud… ở nhiều quy mô khác nhau.
Khảo sát của Fujitsu cũng cho thấy có trên 60% cho rằng công nghệ như AI có thể thay thế cho công việc của con người, AI và con người cùng hợp tác làm việc; xuất hiện những doanh nghiệp ứng dụng AI trong toàn bộ các quy trình làm việc.
Riêng tại Việt Nam, chuyên gia của Fujitsu đánh giá nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghiệp chế tạo, tài chính số, giao vận… đang thử nghiệm mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ số.
Đồng thời, Việt Nam cũng dần hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng CNTT hiện đại, tập trung kết nối 4G, hướng tới 5G, phủ Wi-Fi rộng khắp… để sẵn sàng cho sự chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Theo ông Motohiko Uno, Phó Tổng Giám đốc khu vực Châu Á Tập đoàn Fujitsu, trước thực tế trên, hiện hãng đang phát triển nhiều công nghệ tiên tiến, đưa ra các giải pháp số hóa cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực như nhà máy thông minh, bán lẻ thông minh…
“Việt Nam là khu vực có tầm quan trọng về chiến lược của Fujitsu”, ông Motohiko Uno nhấn mạnh.
Theo ông Sei Kudo, Tổng Giám đốc Fujitsu Việt Nam, trong sự phát triển, tập đoàn này cũng định hướng mỗi cá nhân hay doanh nghiệp đều có thể trở thành các nhà đồng sáng tạo cùng hãng để hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Tại sự kiện, Fujitsu đã gây chú ý với cộng đồng doanh nghiệp khi giới thiệu loạt giải pháp hạ tầng và sản phẩm thông minh có khả năng tùy biến nhanh chóng như máy chủ, máy tính cá nhân, máy scan, máy in; công nghệ AI với giải pháp thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số “Zinrai” và giải pháp tối ưu hoá cho doanh nghiệp sản xuất nhằm giúp doanh nghiệp chủ động đón đầu xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...
Fujitsu cũng giới thiệu máy chủ nền tảng X86 Fujitsu Primergy, máy chủ hiệu năng cao dành cho các ứng dụng quan trọng Fujitsu PrimeQuest, tủ đĩa lưu trữ dữ liệu Fujitsu ETERNƯS, Fujitsu All Flash (AF), dòng máy tính siêu nhẹ, siêu bảo mật U938 cùng các loại máy scanner và máy in văn phòng.
Ngoài các sản phẩm phần cứng, Fujitsu giới thiệu bảng hiển thị thông minh (Intelligent Dashboard) và giải pháp iNetSec - công nghệ giúp ngăn chặn sự tấn công từ các mối đe dọa an ninh mạng, giúp cho người tham dự có cái nhìn thực tế về các công nghệ của hãng. (ictnews)
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/