In trang

Công nghệ và người dùng phải cùng “thông minh” thì giao thông mới bớt “nóng”
Cập nhật lúc : 09:34 06/04/2018

4 vụ tai nạn đường sắt chỉ trong 4 ngày vừa qua khiến chúng ta nghĩ đến hệ thống điều độ đường sắt thông minh. Nhưng người điều khiển hệ thống đó cũng cần phải "thông minh" trong việc ra quyết định.

Đó là ý kiến của ông Lâm Thiếu Quân, chuyên gia giao thông, nguyên đại biểu HĐND TP.HCM khóa XVIII khi nói đến mối quan hệ giữa công nghệ và văn hóa con người trong hệ thống giao thông thông minh. Sau đây là những chia sẻ của ông với phóng viên Tạp chí Khám phá:

Thuật ngữ giao thông thông minh được nói tới từ năm 2000, trước cả thuật ngữ về Thành phố thông minh. Cùng thời điểm đó, tại Hàn Quốc, thị trưởng thành phố Seoul đã xây dựng một chương trình về giao thông thông minh.

Đến năm 2010, nhiều nước Châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan… đã đã ứng dụng công nghệ trong giao thông. Trước đó, nhiều nước Châu Âu đã ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực giao thông, nhưng họ không gọi là giao thông thông minh.

Tại Việt Nam, nhà nước đã đầu tư nhiều chi phí vào giao thông như làm cầu, mở rộng sân bay, xây dựng đường cao tốc… Tại TP.HCM, đề án phát triển thành phố thông minh của thành phố giai đoan 2016-2020 tầm nhìn đến năm 2030 đang được xúc tiến triển khai. Trong đó, giao thông thông minh cũng là một lĩnh vực quan trọng. Chi phí đầu tư vào hạ tầng giao thông là không hề nhỏ. Chi phí đầu tư tốn kém như vậy, làm sao sử dụng hữu hiệu nhất là một bài toán cần phải giải.

Theo tôi, hệ thống giao thông thông minh khi được đầu tư cần phải sử dụng hiệu quả hạ tầng giao thông hiện hữu, kết hợp với ứng dụng thêm công nghệ với chi phí đầu tư thấp, ảnh hưởng tức thì đến giao thông.

Giao thông thông minh hiện nay có thể chia làm 3 nhóm: điều khiển giao thông (hệ thống quan sát từ camera). Hệ thống giám sát xử phạt (vượt đèn, lấn tuyến, chạy quá tốc độ), và ứng dụng vận tải công cộng (xe buýt chạy đúng giờ, vé điện tử…).

TP.HCM đang triển khai và tiếp thu thêm các đề xuất về công nghệ của các doanh nghiệp. Cụ thể, người dùng sẽ sử dụng một loại vé thông minh cho tất cả các tuyến xe buýt, tàu điện ngầm, thanh toán cho cả taxi. Ngoài việc lắp đặt hệ thống kiểm soát tốc độ ở hầm vượt sông Sài Gòn, xung quanh sẽ có bảng quang báo để người dân nắm được các thông tin quan trọng trong quá trình di chuyển.

Về hệ thống giao thông đường sắt, vừa rồi doanh nghiệp chúng tôi có tham gia dự án chung ODA của Chính phủ Đức. Theo đó, dự án sẽ lắp đặt hệ thống điều độ đường sắt, xác định tối ưu kế hoạch chạy tàu, cảnh báo chạy quá tốc độ, chạy chậm tốc tốc độ, thời gian chờ đợi thấp nhất khi vào ga hoặc tránh tàu. Nếu sự cố xảy ra trong quá trình chạy tàu thì phải thay đổi kế hoạch chạy tàu trên toàn tuyến. Ngoài ra, hệ thống có thể xác định đầu tàu đang ở đâu. Nếu có nguy cơ đối đầu, hệ thống sẽ báo động ngay.

Hệ thống ưu việt này đã được triển khai thực tế trong 3 năm qua ở một số nơi. Nhưng tiến độ triển khai lại hơi chậm. Hệ thống này cũng có thể lắp đặt cảnh báo ở các đường ngang, giúp phương tiện lưu thông qua đây an toàn hơn.

Tuy nhiên, đầu tư công nghệ trong giao thông phải phải phù hợp với văn hóa giao thông của con người, và hệ thống luật giao thông của mỗi quốc gia đó. Công nghệ, con người và chính sách (luật lệ giao thông) phải có sự kết hợp tốt với nhau thì giao thông mới thông minh.

Các hệ thống cung cấp thông tin giao thông (công nghệ) sẽ giúp con người ra quyết định thông minh khi tham gia giao thông. Ví dụ khi đang đi đường gặp mưa lớn, dự báo có thể ngập, hệ thống thu thập và cung cấp thông tin gửi về smartphone cho người dùng. Người dân biết chính xác khu vực đó đang bị ngập để tránh đi vào tuyến đường đó.

Tôi cho rằng, hệ thống hạ tầng công nghệ làm tốt, con người tự điều chỉnh hành vi giao thông của mình theo hướng tích cực hơn.

Nếu người dân có quyết định thông minh thì cơ quan chức năng cũng phải vận hành hệ thống giao thông một cách thông minh. Cụ thể, với hệ thống tự động tại các đường ngang thì người điều khiển ở đó cần phải có trình độ nhất định để ra quyết định thông minh, giúp cho quá trình chạy tàu được an toàn, thông suốt. Ví dụ như vụ xe tải tông vào tàu đang lưu thông xảy ra ở Thanh Hóa vừa rồi, theo quan điểm của tôi, có một phần lỗi do nhân viên gác chắn thiếu trách nhiệm.

Một yếu tố khác cũng quyết định đến hành vi giao thông của con người là vấn đề vi phạm giao thông. Ở nước ngoài, cảnh sát sẽ sử dụng bằng chứng là hình ảnh người vi phạm đang phạm luật. Sau đó, người vi phạm phải đóng phạt và phải cộng thêm chi phí (không nhỏ) cho bằng chứng vi phạm.

Vì thế người dân phải “tâm phục khẩu phục” và ý thức giao thông tốt hơn. Tôi nhận thấy, nhiều người ở trong nước có thể vi phạm giao thông nhưng khi ra nước ngoài họ ít, hoặc không dám vi phạm vì luôn có hệ thống giám sát.

Công nghệ và người dùng phải cùng “thông minh” thì giao thông mới bớt “nóng” trong tình hình giao thông đang ngày một phức tạp tại Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn. (khampha.vn)