In trang

Áp dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác phòng, chống tham nhũng toàn cầu
Cập nhật lúc : 08:55 08/09/2018

Trí tuệ nhân tạo hay cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là các thuật ngữ không còn xa lạ với người dân trên toàn thế giới. Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác phòng, chống tham nhũng cũng là yếu tố tất yếu của xã hội. Tuy nhiên, sử dụng ra sao, áp dụng như thế nào lại thể hiện vai trò của Chính phủ từng nước.

1. Thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng trên thế giới

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) định nghĩa tham nhũng là: “lạm dụng chức vụ, quyền lực cho lợi ích cá nhân, thông qua hối lộ, tống tiền, thao túng thị trường, thiên vị người thân, gian lận, chuyển tiền (hình thức hối lộ) hoặc tham ô”. 

Số tiền hối lộ lũy kế đã được UNDP và các cơ quan khác ước tính từ 30 đến 45 phần trăm ngân sách nhà nước hàng năm ở một số nước châu Á[1]. Đây là số tiền dành cho các dịch vụ chăm sóc tại bệnh viện, cải thiện nguồn nước và các cơ sở giáo dục cho người dân.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, hàng năm trên thế giới có khoảng 1.000 tỷ USD bị tham nhũng dưới dạng đưa hối lộ. Chỉ riêng ở châu Phi hàng năm có khoảng 148 tỷ USD đã bị mất hay thất thoát do tệ tham nhũng gây ra[2].

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã đưa ra một chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) từ 0 đến 100, đánh giá qua sự điều tra của các chuyên gia, các nhà định hướng dư luận, các cán bộ kinh doanh và các nhà giám sát nhân quyền đang sống, làm việc hoặc đi du lịch nhiều nơi tại mỗi quốc gia được xếp loại. Chỉ số càng cao, thì đất nước đó càng ít tham nhũng.

Chỉ số tham nhũng trên thế giới thay đổi theo hàng năm. Tuy nhiên, nhìn chung theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, các nước Bắc Âu được đánh giá là tốt nhất thế giới bao gồm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, hay một số nước như Canada, New Zealand, Australia…[3]

Rất nhiều biện pháp đã được Chính phủ các nước áp dụng để ngăn ngừa tình trạng tham nhũng đặc biệt là trong giai đoạn bùng nổ về công nghệ, thiết bị hiện đại, tinh vi nhằm qua mắt các lực lượng chức năng và các tổ chức làm nhiệm vụ ngăn ngừa tham nhũng. Theo thống kê, ở EU, trong giai đoạn công nghệ pháp triển, tham nhũng đã làm giảm một phần trăm GDP của khu vực, tương đương với khoản lỗ hàng năm là 120 tỷ euro (khoảng 140 tỷ đô la Mỹ)[4].

2. Sơ lược về trí tuệ nhân tạo và Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 trong phòng, chống tham nhũng

Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 là sự chuyển đổi công nghệ của thị trường công nghiệp sang sản xuất thông minh. Ngành công nghiệp 4.0 đại diện cho cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư trong sản xuất, hậu cần và chuỗi cung ứng, công nghiệp hóa chất, năng lượng, giao thông, tiện ích, dầu khí, khai thác mỏ và kim loại và các phân đoạn khác, bao gồm các ngành công nghiệp tài nguyên, chăm sóc sức khỏe, dược phẩm và thậm chí cả các thành phố thông minh[5].

Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence hay machine intelligence, viết tắt: AI) là trí tuệ được biểu diễn bởi bất cứ một hệ thống nhân tạo nào. Thuật ngữ này thường dùng để nói đến các máy tính có mục đích không nhất định và ngành khoa học nghiên cứu về các lý thuyết và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo.

Thuật ngữ "Công nghiệp 4.0" đã được nhắc đến vào năm 2011 tại Hội chợ Hannover, Đức. Từ năm 2011, Đức đã đưa chiến lược Công nghiệp 4.0, tạo ra một khuôn khổ chính sách chặt chẽ, thiết lập vị thế là nhà cung cấp các hệ thống sản xuất tiên tiến hàng đầu trên thế giới.

Tại châu Á, các nước như Hàn Quốc, Chính phủ đã lên kế hoạch cung cấp vốn cho hơn 2.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm nay để thúc đẩy sự thành lập những nhà máy thông minh, nơi mà dây chuyền sản xuất được tự động hóa hoàn toàn, máy móc và hệ thống thông minh được kết nối.

Năm 2015, Trung Quốc đưa ra chiến lược công nghiệp Made in China 2015, mục tiêu biến Trung Quốc thành người khổng lồ về sản xuất bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến như robot, cảm biến và trí tuệ nhân tạo. Dự kiến vào năm 2020, Trung Quốc có khả năng sản xuất 100.000 robot mỗi năm phục vụ tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, xã hội.

Còn tại đảo quốc Singapore, một phần trong chiến lược xây dựng quốc gia thông minh của Singapore là nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trong thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4. Chính phủ Singapore dành 450 triệu USD trong 3 năm tới để phát triển ứng dụng phục vụ đời sống.

3. Vai trò của việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong phòng, chống tham nhũng

Hiện vẫn có nhiều quan điểm trái chiều về tác động và ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đối với cuộc sống của con người. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận những đóng góp to lớn của nghiên cứu này đối với sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh trật tự và một phần trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Trí tuệ nhân tạo phát hiện tham nhũng

Chức năng phát hiện tham nhũng được một nhóm tại Brazil gồm 8 người phát triển. Dự án để kiểm soát chi phí của các chính trị gia đất nước Brazil, bằng cách tạo ra một robot phân tích trực tuyến một trong 513 đại biểu của đất nước chi tiêu theo hạn ngạch từng việc thực hiện trong nghị viện. Robot sẽ giúp phát hiện các bất thường. Những chi phí này bao gồm từ: nhiên liệu, bữa ăn, vé máy bay, chỗ ở, và từ những người khác.

Trong tháng đầu tiên sau khi ra đời, robot do nhóm tại Brazil tạo ra đã phát hiện 3.000 khoản đáng ngờ và thu hồi tương đương với hơn 100 nghìn euro (tương đương 117 nghìn đô la Mỹ). Thành công của robot đã khiến các nhà khoa học nghiên cứu tại Brazil có kế hoạch phát triển robot phát hiện tham nhũng tại 2 quốc gia là Ai Cập và Ấn Độ.

Brazil từ lâu đã có điểm CPI đứng ở mức trung bình, năm 2017, Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp đất nước này ở vị trí 96 trên thế giới. Với việc áp dụng công nghệ robot vào phát hiện tham nhũng, Brazil được kì vọng sẽ tạo đột phá về tham nhũng ở những năm tiếp theo[6].

Trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ cảnh sát

Năm 2017, lực lượng Cảnh sát Dubai đã đưa ra kế hoạch ứng dụng trí tuệ nhân tạo gồm việc đưa hệ thống robot thực hiện tuần tra kiểm soát và cài đặt các phần mềm Dự báo tình hình tội phạm nhằm “quét sạch tội phạm”.

Theo Công ty SIME (Space Imaging Middle East), phần mềm này là một công cụ hỗ trợ cảnh sát, có khả năng phân biệt chính xác các mô hình của các hành vi tội phạm ngay cả khi chúng gần như không có liên hệ tới các sự kiện và sau đó dự đoán khả năng tái diễn của chúng. Trí tuệ nhân tạo giúp đưa những phân tích chính xác và khi kết hợp với kiến thức và năng lực kinh nghiệm của lực lượng cảnh sát sẽ nhanh chóng tìm ra những dấu vết, đầu mối quan trọng của tội phạm, góp phần đáng kể cải thiện hiệu quả công tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra. 

Còn ở Mỹ, bên cạnh việc được trang bị những công nghệ hàng đầu như: Máy bay không người lái, Stingray - do thám điện thoại di động, cơ sở dữ liệu biển số xe, thẻ căn cước… lực lượng cảnh sát đã đưa vào ứng dụng một sản phẩm mới của trí thông minh nhân tạo là Dextro. Về cơ bản, Dextro là một công cụ phân tích giúp nhận diện các đồ vật xuất hiện trong video. Được phát triển lần đầu vào năm 2014, Dextro có khả năng quét nhanh và xác định các vật thể mà người dùng đang tìm kiếm như sách, giày, chữ viết hoặc thậm chí là súng. AI này cũng có thể nhận biết các hành động cơ bản như bắt tay, đấm, đá…

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) còn có tham vọng, trước năm 2030 sẽ xây dựng lực lượng cảnh sát có 25% là robot.

Dự báo trong tương lai, sẽ có nhiều hơn các sản phẩm, công cụ AI hỗ trợ cho lực lượng Cảnh sát trong quá trình đấu tranh bảo đảm an ninh trật tự như hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI) sử dụng các cảm biến gắn trên quần áo nhân viên cứu hỏa, thu thập dữ liệu về nhiệt độ, khí và các tín hiệu quan trọng khác, sau đó xử lý các số liệu thống kê này để đưa ra những gợi ý, hướng dẫn nhân viên cứu hỏa khi họ tham gia dập tắt một đám cháy[7].

Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ hành chính

Một số nước đã áp dụng trí tuệ nhân tạo vào việc hỗ trợ hành chính, giảm thiểu các dịch vụ công nhằm hạn chế tham nhũng. Tại Văn phòng giải quyết thủ tục hành chính, Cơ quan quản lý Giao thông Tiểu vương quốc Ajman đã đặt một chiếc máy ở cửa đặc biệt khi ra về - nơi có khả năng ghi nhận toàn bộ cảm xúc của khách. Nếu khách hàng hài lòng với buổi làm việc cửa sẽ mở và ngược lại. Chiếc cửa hoạt động trên cơ chế sử dụng trí tuệ nhân tạo. Chiếc cột gắn sẵn camera tích hợp, có khả năng nhận diện và phân tích biểu hiện khuôn mặt của người đứng trước nó, khi gương mặt thể hiện nụ cười cửa sẽ mở. Còn không sẽ có nhân viên đến nói chuyện với người dân để giải quyết thắc mắc[8].

Khu tự do Dubai South chỉ còn 2 năm nữa sẽ hoàn thành. Bên trong các tổ hợp đồ sộ là ấp ủ của chính quyền Dubai, biến nơi đây trở thành một thành phố thông minh, bền vững. Tầm nhìn và tham vọng của Dubai là làm sao đảm bảo rằng mọi người có được một cuộc sống hạnh phúc và thuận tiện nhất. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang giúp Chính phủ Dubai hiểu rõ hơn về nhu cầu của người dân, hướng tới xây dựng những hệ thống đáp ứng được nhu cầu đa dạng của từng cá nhân.

4. Ưu điểm và hạn chế khi áp dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác phòng, chống tham nhũng

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo là điều tất yếu của quá trình phát triển. Công tác phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những ưu điểm và hạn chế cho công tác phòng, chống tham nhũng.

Ưu điểm khi áp dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác phòng, chống tham nhũng

Không có khả năng hối lộ: Bằng cách cố gắng loại bỏ yếu tố con người khỏi tương tác hành chính, những người sáng tạo của robot đã phát triển một cách khác để tránh tham nhũng trong hệ thống của chính phủ. Những cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan công quyền sẽ được tinh giảm hoặc điều chuyển sang những bộ phận khác ít tiếp xúc hơn với nguồn tham nhũng, nhằm hạn chế khả năng tham nhũng.

Khả năng giám sát: Robot có khả năng cung cấp bằng chứng từ khi cán bộ, công chức thực hiện hành vi nhận hối lộ đến khi họ che giấu hành vi. Với việc áp dụng công nghệ, những hành vi, hành động bất thường sẽ được thu thập, tập hợp thành hồ sơ và trở thành bằng chứng giúp buộc tội hành vi tham nhũng của những người làm việc trong cơ quan công quyền.

 Chức năng biểu cảm: Thay vì những máy móc thông thường, giờ đây, trong giai đoạn công nghệ 4.0, máy móc cũng có biểu cảm tương tự con người. Việc máy móc có những cảm xúc sẽ giúp tác động vào tâm trí người nhìn nhận hành vi dẫn đến thay đổi hành vi. Mọi tâm trạng của con người sẽ được ghi nhận và phân tích, những thái độ không tốt sẽ được ngăn ngừa từ khi phát hiện. Những người tạo ra robot sẽ giúp những người có hành vi không tốt hiểu được thái độ cần thiết của bản thân, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính.

Hạn chế khi áp dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác phòng, chống tham nhũng

Có thể bị tấn công ngược: Tuy nhiên, con người không hoàn toàn bị loại khỏi phương trình của robot. Con người có vai trò quyết định trong việc xử lý và ngăn chặn tham nhũng. Robot là công cụ hỗ trợ con người, hạn chế chứ không loại bỏ hoàn toàn tham nhũng. Robot có thể là con dao 2 lưỡi, bị con người lợi dụng cho hành vi phi pháp của các cá nhân và tổ chức vi phạm pháp luật.

Thách thức cho những nhà lập trình: Lợi ích được nhìn thấy rõ nếu các nhà lập trình của Chính phủ có năng lực và phẩm chất tốt. Tuy nhiên, nếu không được kiểm tra kĩ càng và được sáng tạo bởi những người đủ đức đủ tài thì có thể sẽ bị lạc hậu hơn so với các thiết bị tham nhũng khác, hoặc tạo điều kiện để tội phạm tham nhũng có kẽ hở hơn trong quá trình thực hiện hành vi của mình.

5. Nhận xét

Nhìn chung, robot và các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo như một con dao hai lưỡi. Nếu rơi vào tay tội phạm tham nhũng, chúng sẽ gây ra một thảm họa. Mặt khác, nếu được sử dụng đúng cách, chúng sẽ ngăn chặn được tình trạng trên. Từ vấn đề trên, ta có nhận xét như sau:

Thứ nhất, việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào công tác phòng, chống tham nhũng là điều cần thiết và là hệ quả tất yếu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào phục vụ đời sống, chính trị của từng nước sẽ là tất yếu khi mà công nghệ thông tin phát triển, đóng góp quan trọng vào việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các nước trên thế giới nên tranh thủ thời điểm này để phát triển khoa học công nghệ nhằm phát hiện, giảm thiểu và hạn chế đến mức tối đa dẫn đến đẩy lùi vấn nạn tham nhũng.

Chính phủ kiến tạo, thời kì công nghệ số, mọi thông tin của người dân đều được cung cấp qua mạng internet những thiết bị công nghệ, nên ngay từ lúc này, Chính phủ của các nước nên có những phương án để phát triển trí tuệ nhân tạo một cách đúng đắn.

Thứ hai, không thể dựa hết vào công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Chính phủ cần đảm bảo các yếu tố con người thật vững vàng, bởi con người mới là nhân tố chủ chốt nhất.

Các công cụ mà các nhà hành pháp sử dụng có thể thông minh hơn, song liệu chúng có thực sự khiến cuộc sống của người dân trở nên an toàn hơn? Suy cho cùng, công cụ vẫn chỉ là công cụ. An ninh thế giới đang ở trong giai đoạn vô cùng phức tạp. Việc áp dụng thành tựu khoa học công nghệ là cần thiết, song ranh giới giữa sử dụng và lạm dụng rất mong manh. Vì vậy, con người với hoạt động quản lý bằng pháp luật vẫn là lực lượng nòng cốt duy trì ổn định trật tự, an ninh thế giới.

Luật pháp, cơ quan công quyền vẫn là những yếu tố đảm bảo sự bền vững của một quốc gia. Quốc gia chỉ có thể cải thiện chỉ số minh bạch của mình thông qua những hành động từ pháp luật của các cơ quan Chính phủ.

Thứ ba, tăng cường giáo dục, giúp người dân hiểu về tham nhũng, hiểu về cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo.

Trí tuệ nhân tạo, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, robot, các sản phẩm từ trí tuệ nhân tạo… tất cả đều là công cụ để phục vụ nhu cầu và sự phát triển đi lên của cuộc sống. Chính phủ cần có biện pháp giáo dục và hình thành tư duy không tham nhũng từ khi trẻ em còn nhỏ, công chức mới bắt đầu nhận việc. Việc nhìn nhận vấn đề tham nhũng đúng đắn sẽ giúp quốc gia không phải đối mặt với vấn nạn tham nhũng trong hiện tại và trong tương lai. (tapchimattran)