Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Cập nhật lúc : 08:25 10/01/2014
Không sử dụng vốn nhà nước để thành lập DN xếp hạng tín nhiệm Chính phủ vừa ban hành Nghị định 88/2014/NĐ-CP quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; điều kiện hoạt động của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
Nghị định trên quy định tổ chức được xếp hạng tín nhiệm là doanh nghiệp, tổ chức được xếp hạng tín nhiệm hoặc có công cụ nợ được xếp hạng tín nhiệm theo quy định.
Doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp, có vốn điều lệ thực góp tối thiểu bằng mức vốn pháp định là 15 tỷ đồng. Ngoài ra, phải đáp ứng các điều kiện về số lao động tối thiểu đạt tiêu chuẩn, có các quy trình nghiệp vụ đáp ứng quy định, có phương án kinh doanh, có trang thông tin điện tử; cổ đông, thành viên góp vốn, Tổng giám đốc hoặc giám đốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định.
Nghị định cũng nêu rõ, việc góp vốn thành lập doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm phải thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và phải đảm bảo tổ chức, cá nhân đã góp vốn sở hữu trên 5% vốn điều lệ thực góp của một doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm thì không được góp vốn thành lập hoặc mua, nắm giữ cổ phiếu hoặc phần vốn góp của một doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm khác. Các tổ chức, cá nhân không được sử dụng vốn ngân sách nhà nước để tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm.
Doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh không được góp vốn để thành lập doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm khác.
Về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm, Nghị định quy định, doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm được quyền cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức; xếp hạng tín nhiệm đối với công cụ nợ; các dịch vụ liên quan đến hoạt động xếp hạng tín nhiệm (như dịch vụ thông tin về xếp hạng tín nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức liên quan đến hoạt động xếp hạng tín nhiệm).
Doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm chỉ được cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và thực hiện công bố thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng và trang thông tin điện tử của doanh nghiệp ít nhất 10 ngày làm việc trước ngày dự kiến khai trương hoạt động kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.
Việc tổ chức hoạt động cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm phải độc lập và khách quan; trung thực; minh bạch; tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.
Nghị định cũng quy định rõ, doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm không được hoạt động trong các lĩnh vực kế toán, kiểm toán; Chứng khoán (bao gồm: Môi giới, tư vấn, bảo lãnh phát hành, đại lý phân phối chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư, quản lý danh mục đầu tư, đầu tư chứng khoán); Ngân hàng.
Quy định xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú"
.Nghị định áp dụng đối với các cá nhân hoạt động nghệ thuật tại các đơn vị nghệ thuật cơ sở; cá nhân hoạt động nghệ thuật tự do (như diễn viên: Hát, múa, nhạc, sân khấu, điện ảnh...; đạo diễn tác phẩm thuộc lĩnh vực: Tuồng; Chèo; Cải lương; Kịch dân ca;...người làm âm thanh trong tác phẩm điện ảnh, truyền hình và sân khấu;...).
Các cá nhân nêu trên, do yêu cầu và nhiệm vụ được điều động làm công tác giảng dạy, nghiên cứu, quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật, đủ tiêu chuẩn theo quy định thì vẫn được đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú".
Theo Nghị định, các đối tượng trên được xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú" khi đạt 4 tiêu chuẩn:
1- Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.
2- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ.
3- Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 10 năm trở lên.
4- Có ít nhất 2 Giải Vàng quốc gia hoặc 1 Giải Vàng quốc gia và 2 Giải Bạc quốc gia.
Còn đối với danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân", thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp lâu hơn, phải từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên. Đồng thời, phải đáp ứng điều kiện đã được tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú" và có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu "Nghệ sĩ ưu tú".
Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/