In trang

Sửa đổi Luật Việc làm: Cơ hội quan trọng để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng
Cập nhật lúc : 08:36 05/08/2025

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), sáng 7/5, đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) nhấn mạnh: Đây là cơ hội quan trọng để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng trong Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 18-NQ/TW về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động.

Thể chế hoá đầy đủ sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ

Theo đại biểu Trần Văn Khải, việc thể chế hóa đầy đủ các định hướng nêu trên trong Luật Việc làm sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển thị trường lao động hiện đại, bền vững, đồng thời đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Văn Khải đánh giá cao dự thảo luật đã cơ bản thể chế hoá các chủ trương của Đảng tại các nghị quyết trên. Cụ thể, về kinh tế tư nhân, dự thảo đưa ra chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, dự thảo quy định “ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số” và khuyến khích phát triển việc làm trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh. 

Đặc biệt, tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động được quán triệt khi dự thảo hỗ trợ người lao động trong trường hợp “sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, đồng thời giao Bộ Nội vụ làm đầu mối quản lý nhà nước về việc làm thống nhất, tinh gọn.

Tuy nhiên, theo đại biểu việc thể chế hóa các nghị quyết của Đảng trong dự thảo luật cần phải tiếp tục rà soát, bổ sung để bảo đảm thể chế hoá đầy đủ nhất chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 68-NQ/TW và Nghị quyết 18-NQ/TW. 

Qua rà soát một cách cẩn trọng, đại biểu nhận thấy một số nội dung trong chủ trương của Đảng chưa được thể chế hết.

Cụ thể, vai trò kinh tế tư nhân trong tạo việc làm chưa được nhấn mạnh tương xứng. Dù có chính sách vay vốn, luật chưa nêu rõ khu vực tư nhân là động lực chính của tăng trưởng việc làm. Khu vực tư nhân hiện thu hút khoảng 82% lực lượng lao động, mục tiêu đến 2030 đạt 84-85%. “Nếu luật không tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng hơn cho kinh tế tư nhân, chúng ta khó đạt mục tiêu đó; tốc độ tạo việc làm mới sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế” - đại biểu phát biểu. 

Cũng theo đại biểu, định hướng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chưa được cụ thể hóa thành cơ chế, chương trình rõ ràng. Luật thiếu quy định hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo kỹ năng số cho người lao động. Điều này có thể khiến Việt Nam tụt hậu, người lao động lỡ cơ hội việc làm mới và doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh.

Mặt khác, dự thảo chưa đề cập cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả trong triển khai chính sách việc làm. Thiếu phối hợp đồng bộ dễ dẫn đến chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm, làm giảm hiệu lực thực thi.

Rà soát, bổ sung để thể chế hóa đầy đủ nhất, kịp thời nhất các chủ trương lớn của Đảng

Để hoàn thiện dự thảo, đại biểu đề xuất bổ sung nội dung: “Ưu tiên hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân là động lực chính trong tạo việc làm bền vững”, nhằm nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân trong tạo việc làm bền vững và khẳng định cam kết của Nhà nước về môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Đồng thời mở rộng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tạo nhiều việc làm, giao Chính phủ quy định cụ thể các hỗ trợ tương ứng.

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đại biểu đề xuất bổ sung tại Điều 9 khoản 2 nội dung: “Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhóm được vay vốn với lãi suất ưu đãi”; bổ sung tại Điều 23 khoản 1 nội dung : “Xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng số cho người lao động đáp ứng chuyển đổi số”; bổ sung Điều 16a (mới) nội dung: “Phát triển sàn giao dịch việc làm trực tuyến tích hợp toàn quốc”, giúp người lao động và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin tuyển dụng.

Để hoàn thiện cơ chế thực thi, theo đại biểu, cần bổ sung tại Điều 6 khoản 2 (đ) nội dung: “Quy định rõ cơ chế phối hợp liên ngành trong thực hiện chính sách việc làm” nhằm phân định trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương; đồng thời xây dựng lộ trình triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về người lao động, bảo đảm chuyển đổi số đồng bộ, hiệu quả.

Đại biểu nhận định, nếu được bổ sung các nội dung nêu trên, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ thể chế hoá đầy đủ nhất và kịp thời nhất các chủ trương của Đảng tại các nghị quyết Trung ương mới nhất như Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 18-NQ/TW về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động. 

“Khu vực tư nhân phát huy tiềm năng, tạo thêm nhiều việc làm mới; người lao động nâng cao kỹ năng, nắm bắt cơ hội mới; và nền kinh tế Việt Nam sẽ bứt phá mạnh mẽ trong kỷ nguyên số” - đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh./. (dangcongsan.vn)