Sắp xếp tinh gọn bộ máy, thêm nguồn lực phát triển đất nước
Cập nhật lúc : 08:39 05/08/2025
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sắp xếp tinh gọn bộ máy là chủ trương hợp lòng Dân, là ý Đảng - lòng Dân nên phải quyết tâm thực hiện. Khi bộ máy được sắp xếp tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thì sẽ có thêm nguồn lực để phát triển đất nước.
Chiều 7/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Tại tổ 13 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Ninh, Hậu Giang, Đắk Lắk và Lào Cai, các đại biểu đều bày tỏ sự đồng thuận và thống nhất cao việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và hai dự án luật trên.
"Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"
Phát biểu thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, những tháng vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ đã làm việc liên tục để triển khai quyết liệt chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Để triển khai giai đoạn hai sáp nhập xã, kết thúc hoạt động cấp huyện và một số đơn vị hành chính cấp tỉnh đòi hỏi phải sửa đổi Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật liên quan. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là chủ trương hợp lòng Dân, là ý Đảng - lòng Dân nên phải quyết tâm thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này chỉ gọn trong 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy, không mở rộng ra các nội dung khác nhằm kịp thời tổ chức triển khai trong thực tiễn.
Đề cập đến vấn đề phân cấp, phân quyền - một trong những nội dung trọng tâm được nhiều đại biểu quan tâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, vừa qua khi Quốc hội sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì đã phân cấp khá mạnh. Lần này, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Luật khác sẽ tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương theo đúng tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
"Phải có nguồn lực để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Kỳ họp này, Quốc hội dự kiến thông qua 34 luật và cho ý kiến lần đầu 6 dự án Luật thì đều theo đúng tinh thần này, cái gì phân cấp được cho địa phương trong sửa luật lần này là phân cấp" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Đồng thời đề nghị các đại biểu Quốc hội từ thực tiễn công tác tại các địa phương, trong các ngành cần tham gia đóng góp ý kiến cụ thể để thực sự phân cấp cho địa phương, giúp địa phương chủ động hơn trong quản lý, điều hành.
Thể chế thông thoáng sẽ tạo ra sự phát triển cho đất nước
Khẳng định yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay Quốc hội chỉ ban hành Luật khung, việc cụ thể giao Chính phủ ban hành nghị định, Bộ ban hành thông tư trừ Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, các Luật Tố tụng liên quan tới con người, quyền con người phải bàn chi li, chi tiết từng khoản, từng điều, từng chương cho rõ, còn liên quan đến lĩnh vực kinh tế, xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước thay đổi liên tục như hiện nay thì Quốc hội giao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy việc gì ủy quyền được cho Chính phủ, Thủ tướng thì sẽ ủy quyền cho Chính phủ và Thủ tướng để giải quyết nhanh nhất.
"Từ Kỳ họp thứ Tám, Kỳ họp bất thường lần thứ Chín chúng ta đã đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Nhờ đó, một Kỳ họp chúng ta thông qua được 18 luật (tại Kỳ họp thứ Tám) thì Kỳ họp thứ Chín dự kiến sẽ thông qua 34 luật, hơn 10 nghị quyết” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định và cho biết thể chế thông thoáng sẽ tạo ra sự phát triển cho đất nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần chia sẻ nhờ những quyết sách hết sức nhanh chóng, kịp thời của Quốc hội, đặc biệt là các luật, các nghị quyết từ Kỳ họp thứ Bảy đến nay đã góp phần quan trọng để đất nước đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khó khăn chung của toàn cầu.
"Một Kỳ họp chúng ta quyết định là mang lại hiệu ứng ngay. Kỳ họp thứ Chín này cũng như vậy, phải tạo tiền đề để năm 2025 tăng trưởng khoảng 8% trở lên và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo để đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, nước ta sẽ là nước thu nhập trung bình khá; đến năm 2045 kỷ niệm100 năm thành lập nước, nước ta sẽ là nước thu nhập cao" - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thông qua sửa đổi, bổ sung Hiến pháp tại Kỳ họp này sẽ tạo nền tảng cho sắp xếp tổ chức bộ máy. Khi bộ máy được sắp xếp tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả thì sẽ có nguồn lực để phát triển đất nước.
Đơn cử, chính nhờ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, Kỳ họp lần này mới có thể trình Quốc hội quyết định xem xét các chính sách miễn học phí cho các cấp học từ mầm non đến phổ thông với nguồn lực khoảng 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo ngành y tế nghiên cứu lộ trình miễn viện phí và mong muốn người dân được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần miễn phí với nguồn lực dự kiến khoảng 25.000 tỷ đồng.
"Muốn lo được an sinh xã hội như vậy thì phải có nguồn lực và chính nguồn lực đến từ việc tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả rồi ứng dụng chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo AI...”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cần đặc biệt quan tâm nhóm nhiệm vụ hoàn thiện đầy đủ hệ thống văn bản quy định dưới luật, tạo hành lang pháp lý rõ ràng để triển khai đồng bộ trong thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, hoạt động của cấp huyện sẽ kết thúc, nhiệm vụ hiện hành của cấp huyện sẽ chuyển về cho cấp xã hoặc cấp tỉnh. Cùng với sắp xếp, cần tuyển chọn được đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ; quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công tại các địa phương.
Nhấn mạnh, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 là nhiệm vụ rất hệ trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị mỗi đại biểu tiếp tục quan tâm, hết sức trách nhiệm trong việc góp ý cho Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để hoàn thiện; đảm bảo khi Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 được bấm nút thông qua sẽ đáp ứng yêu cầu đặt ra, tạo nền tảng hiến định cho sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả./. (dangcongsan.vn)
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/