Những mô hình tập hợp thanh niên trên quê hương cách mạng
Cập nhật lúc : 15:24 08/09/2014
Là địa bàn có trên 17 vạn thanh niên các dân tộc sinh sống, những năm qua, nhiều mô hình đoàn kết, tập hợp thanh niên đã được các cấp Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) tỉnh Tuyên Quang triển khai nhằm thu hút thanh niên tham gia xây dựng tổ chức Hội.
Tập hợp thanh niên theo đạo tham gia sinh hoạt Hội
Địa bàn huyện Hàm Yên, xã Thái Hòa có tổng số 800 hội viên tham gia sinh hoạt ở 28 chi hội, trong đó có 73 hội viên theo đạo đang sinh hoạt ở 02 chi hội thôn Tân Khoa và thôn Tân An.
Để tập hợp và thu hút hội viên thanh niên toàn xã nói chung và thanh niên theo đạo tại thôn Tân Khoa và Tân An nói riêng, những năm qua Hội LHTN xã đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, tập trung vào việc giúp cho hội viên, thanh niên hiểu rõ hơn về truyền thống của quê hương đất nước, nâng cao nhận thức về vai trò của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là việc xây dựng lớp thanh niên có lối sống lành mạnh, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội.
Phó Chủ tịch Hội LHTN xã Thái Hoà Phạm Văn Lập cho biết, trong nhiệm kỳ 2009 – 2014, Hội LHTN xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, thanh niên và nhân dân theo đạo chấp hành tốt các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nhờ đó 820m đường bê tông đã được bà con mà chủ yếu là lực lượng thanh niên cùng góp công, góp sức san, đổ và 450m hàng rào, sân trường mầm non... của hai thôn Tân Khoa, Tân An được sửa sang.
Cùng với những việc làm nêu trên, Hội LHTN xã Thái Hoà còn huy động 47 ngày công của hội viên thanh niên giúp xây dựng hai nhà thờ nguyện tại hai họ giáo. “Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hội viên, thanh niên toàn xã đã dành 17 ngày công giúp đỡ hướng dẫn kê khai, đo diện tích đất cho bà con nhân dân tại hai họ giáo đồng thời, vận động bà con trồng mía nguyên liệu, trồng rừng, cải tạo chè già cỗi, nuôi cá lồng… để cải thiện cuộc sống. Hội LHTN xã còn phối hợp với Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức rà soát nhu cầu, tạo nguồn vốn vay cho 10 hội viên, thanh niên theo đạo tham gia phát triển kinh tế”, anh Lập cho biết.
Bằng những việc làm thiết thực, Hội LHTN xã Thái Hoà ngày càng tập hợp được đông đảo thanh niên theo đạo tham gia xây dựng tổ chức Hội, cùng đóng góp công sức, trí tuệ vào các chương trình do Hội phát động. Nhiệm kỳ vừa qua, Đoàn Thanh niên xã Thái Hoà đã kết nạp 5 hội viên thanh niên ưu tú theo đạo, Hội LHTN xã Thái Hoà đã kiện toàn, củng cố 5 chi hội trưởng, chi hội phó là người theo đạo.
Cùng giữ gìn các giá trị truyền thống
“Với 4 dân tộc Tày, Mông, Dao, Kinh đang cùng sinh sống trên địa bàn xã Bình An, huyện Lâm Bình, thanh niên nơi đây được thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần khá phong phú. Đó là được thưởng thức múa khèn của người Mông, hát páo dung của người Dao, hát then, hát cọi của người Tày và cùng tham gia các hoạt động lễ hội như tung còn, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, đánh bàm, đánh yến…”, anh Ma Văn Quản, hội viên Hội LHTN xã Bình An tự hào cho biết.
Lo ngại các giá trị truyền thống đặc sắc của các dân tộc bị mai một, thời gian qua Hội LHTN ViệtNamxã Bình An đã thành lập và duy trì câu lạc bộ hát các làn điệu dân tộc xen ghép sinh hoạt về nói tiếng dân tộc, tìm hiểu và giữ gìn trang phục dân tộc. Các hoạt động này không chỉ thu hút sự tham gia của hội viên thanh niên mà còn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã quan tâm, ủng hộ.
Để ngày càng thu hút được thanh niên tham gia, Hội LHTN Việt Nam xã Bình An dự kiến sẽ đổi mới hoạt động của câu lạc bộ như tổ chức cho thanh niên dệt thổ cẩm, nhuộm chàm may áo rồi khuyến khích thanh, thiếu nhi mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình vào các ngày lễ hội, chợ phiên và vào một ngày nhất định trong trường học.
Là một trong 35 hội viên Chi hội thôn Mãn Hoá xã Đại Phú (huyện Sơn Dương) tham gia Cuộc vận động thanh niên sống đẹp, sống có ích trong đó có “Thanh niên tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc”, anh Sầm Văn Đạo thấy rõ sự cần thiết của việc duy trì các giá trị văn hóa truyền thống.
Xã Đại Phú quê anh người dân tộc Cao Lan chiếm 70%, dân tộc Kinh chiếm 25%, dân tộc Hoa và các dân tộc khác là 5% nên ngày ngày anh được cảm nhận, chứng kiến cái hay, cái đẹp của mỗi một dân tộc và mong muốn những giá trị văn hóa truyền thống sẽ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Cũng tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa như thanh niên xã Bình An, với tư cách là ủy viên Ban chấp hành Đoàn xã, anh Đạo cho biết, sắp tới sẽ có thêm nhiều chương trình giao lưu văn hoá văn nghệ, đề cao những tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc, tổ chức các cuộc thi, biểu diễn trang phục truyền thống của các dân tộc cho thanh niên tham gia, từ đó giúp những người trẻ sẽ nhận thức rõ giá trị văn hoá của các dân tộc để có ý thức giữ gìn.
Nhằm tập hợp được đông đảo thanh niên và tạo điều kiện cho thanh niên giao lưu, học hỏi lẫn nhau, Hội LHTN các xã sẽ phối hợp thực hiện công trình phần việc thanh niên mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc như hỗ trợ ngày công làm nhà sàn, làm nhà văn hóa thôn, khuyến khích thanh niên cưới theo phong tục cổ truyền, người thanh niên dân tộc Cao Lan Sầm Văn Đạo chia sẻ.
Đánh giá về các mô hình đoàn kết, tập hợp thanh niên, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hưng Vượng cho biết, nhiệm kỳ 2009-2014, công tác xây dựng tổ chức Hội được tập trung chỉ đạo, đã hình thành các mô hình câu lạc bộ, tổ, nhóm theo ngành nghề, sở thích góp phần tăng tỷ lệ thu hút tập hợp thanh niên. Điều này được thể hiện ở con số 735 chi hội, câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên theo đối tượng, ngành nghề, sở thích được chuyển đổi, thành lập với 20.504 hội viên.
(ĐCSVN)
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/