In trang
Ông Trần Trọng Tân. Ảnh: Báo Đồng Nai

Kỷ niệm khó quên với ông Trần Trọng Tân
Cập nhật lúc : 15:14 08/05/2014

"Anh Tân khi đó đã dành thời gian để viết những bài báo rất kịp thời, hóa giải những trăn trở, dao động trong Đảng viên, quần chúng nhân dân đúng lúc".

Lúc 7g 30 sáng ngày 4/8/2014, ông Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ đã ra đi. 

Thuộc thế hệ những người tham gia Cách mạng trước năm 1945, trưởng thành qua cuộc chiến tranh khốc liệt của dân tộc, ông Tân đã gắn bó với Sài Gòn-TP.HCM cả trước và sau 1975 cùng với những nhà lãnh đạo cao cấp như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng. 

Tuần Việt Nam ghi lại cảm nhận của ông Nguyễn Trọng Xuất, người cùng làm việc với ông Trần Trọng Tân những năm 1960 ở nội thành Sài Gòn, nguyên Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM....chứng kiến hai giai đoạn trong cuộc đời ông Trần Trọng Tân. 

Tôi biết anh Hai Tân (tức ông Trần Trọng Tân) bắt đầu từ khi dự khóa tuyên huấn đầu tiên tổ chức vào năm 1963 và gắn bó, gần gũi với anh cho đến tận hôm nay. Giữa tôi và anh có nhiều kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên...

Tù đày là chuyện thường

 Ban Tuyên huấn khu ủy lúc đầu hoạt động ở vùng giải phóng Củ Chi, sau đó căn cứ di chuyển khi thì xuống Trà Vinh, Bến Tre, lúc thì ngược lên Tiền Giang và Cần Giờ. 

Anh Võ Văn Kiệt phụ trách chung, anh Trần Bạch Đằng phụ trách Ban Tuyên huấn. Sự chỉ đạo mang tính đột phá nhất là Ban Tuyên huấn phải vào trong nội thành. Anh Hai Tân cùng tôi và một số đồng chí khác được giao nhiệm vụ trực tiếp thâm nhập vào Sài Gòn để hoạt động. 

Cái khó nhất cho anh Hai Tân là anh người Quảng Trị, nói giọng trọ trẹ, làm sao có thể nhập thân với cuộc sống nội ô thành phố để hoạt động? 

Vì cân nhắc điều này, các anh Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng đành rút anh Hai Tân lại. Thời điểm đó việc "xuống đường" (cách gọi lúc đó) vào Sài Gòn rất rầm rộ, ai không được đi là vì... chưa được tin tưởng nên anh Hai Tân buồn lắm dù lý do "chưa xuống đường" của anh hoàn toàn khác. Thế là anh quyết tâm phải đi cho bằng được. 

Vào nội thành, anh nhập cuộc rất nhanh. Anh phụ trách mảng tuyên huấn nội thành. Chúng tôi cùng nhau hoạt động, xây dựng các đội vũ trang tuyên truyền, xây dựng các tổ chức chính trị.

Có thể nói việc hoạt động trên lĩnh vực chính trị tư tưởng là rất khó khăn và nguy hiểm. Bởi công tác chính trị tư tưởng lúc ấy là phải vũ trang tuyên truyền, đưa tư tưởng, đường lối  Cách mạng tác động đến quần chúng, thông qua mặt trận báo chí nên rất dễ bị lộ. 

Nhưng được cái là nhờ sâu sát với quần chúng, sống ngay trong lòng địch nên hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, học sinh sinh viên; hiểu rõ địch. Từ đó chúng tôi mới có được những bài báo sâu sắc, tác động mạnh mẽ tới nhân dân lao động và các giới khác. 

Anh Hai Tân và anh Trần Bạch Đằng giao cho tôi phụ trách tờ Cờ Giải Phóng. Tờ báo này do một người công khai đứng tên xin giấy phép, còn chúng tôi lo nội dung. Tôi cùng các anh em hoạt động nội thành của mình lo nắm tình hình và viết bài. 

Khi Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam, đã xuất hiện tư tưởng "sợ Mỹ" vì thấy Mỹ quá mạnh, xe pháo, máy bay, xe tăng hiện đại, bom đạn nhiều không kể xiết. Vậy là chúng tôi cho ra bài "Trận đại hồng thủy giữa mùa hè của tổng thống Johnson". Bài báo nói về những trận càn quét ác liệt của Mỹ - ngụy đánh vào các chiến khu ở Cụ Chi, chiến khu Dương Minh Châu và bị thất bại. Qua đó tác động đến tư tưởng "sợ Mỹ" rằng, Mỹ dù mạnh mẽ đến như vậy song cũng bị đánh bại như bao kẻ xâm lược khác khi "đụng" với Việt Nam. Hoặc các bài khơi dậy tinh thần, khí phách anh hùng, yêu nước của dân tộc ViệtNamhướng vào lực lượng học sinh, sinh viên. 

Sống và chiến đấu ngay trong hang ổ kẻ thù, hoạt động ngay trung tâm chỉ huy đầu não của cuộc chiến tranh là một cuộc đấu trí cân não ngày đêm, hiểm nguy luôn rình rập. Anh Hai Tân luôn thể hiện bản lĩnh sắc bén, nhìn xa trông rộng, đầy dũng khí. Anh không hề tỏ ra sợ hãi, luôn xông xáo để nắm tình hình, nhìn và phát hiện mọi việc, phân tích để có những quyết định kịp thời. Nhờ vậy mà dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh chúng tôi đã xây dựng và phát triển được đội vũ trang tuyên truyền, liên kết với lực lượng vũ trang Hoa vận... 

Tôi đã học được ở anh rất nhiều điều qua những chỉ đạo sâu sát, qua những công việc cụ thể. Và, một kỷ niệm giữa chúng tôi không thể quên là chính anh đã sắc sảo nắm tình hình, chỉ đạo kịp thời giúp tôi tránh khỏi bị địch bắt trong một tình huống "ngàn cân treo sợi tóc". Thế nhưng, trớ trêu nhất là sau đó chính anh lại bị địch bủa vây và bắt khi đang trong một căn nhà ở Bình Thới. Đó là năm 1969. Chúng tra tấn dã man và đưa anh đi đày ở Côn Đảo. 

Sau năm 1975, tôi đi đón anh cùng nhiều đồng chí từ Côn Đảo trở về. Gặp nhau mừng khôn xiết vô kể. Đất nước được giải phóng, hòa bình đã trở về. Tôi ôm chầm lấy anh. Tôi nhắc lại chuyện này. Anh cười vỗ vai tôi: " Làm Cách mạng thì tù đày là bình thường"...

Thủ bút của ông Trần Trọng Tân 

Dấu ấn trách nhiệm 

Chúng tôi tiếp tục gắn bó công việc với nhau sau khi đất nước thống nhất. 

Năm 1986, anh được Thành phố giới thiệu ứng cử vào Trung ương, mục đích là để anh phụ trách công tác tuyên huấn của thành phố. Nhưng không ngờ sau khi được bầu vào Trung ương thì Trung ương giữ  anh ở ngoài Hà Nội luôn để làm Trưởng Ban Văn hóa - Tư tưởng Trung ương. Anh đã có nhiều bài viết xuất sắc về tư tưởng Đổi mới của đất nước vào thời kỳ này. Với anh, đổi mới về kinh tế thì đã đành, nhưng phải đổi mới cả chính trị, tư tưởng thì mới vận động được quần chúng nhân dân, nói người dân mới nghe. 

Năm 1991, anh trở về thành phố làm phó Bí thư thành ủy. Đây là giai đoạn khó khăn với thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Khối Đông Âu XHCN sụp đổ, các cuộc biểu tình của nông dân kéo về thành phố đông đúc, phức tạp. Trên mặt trận văn hóa tư tưởng, nhiều biểu hiện mất phương hướng, dao động.

Đây chính là giai đoạn anh Hai Tân ghi dấu ấn tài năng và trách nhiệm của một người làm công tác văn hóa tư tưởng trong tình hình thành phố khó khăn. Anh đã có nhiều chỉ đạo cụ thể kịp thời để chấn chỉnh, định hướng, từng bước ổn định . Anh dành thời gian để viết những bài báo rất kịp thời, hóa giải những trăn trở, dao động trong Đảng viên, quần chúng nhân dân đúng lúc. 

Những quyển sách của anh viết vào thời điểm 1989 - 1990 đến bây giờ vẫn nguyên tính thời sự, vẫn đầy ý nghĩa và giá trị. 

Những năm cuối đời, ông Trần Trọng Tân rất tâm huyết với vấn đề xây dựng Đảng, về giữ gìn đạo đức của người Đảng viên, về phát huy dân chủ và tham gia những ý kiến có giá trị khi góp ý sửa đổi Hiến pháp. 

Giữa anh và tôi, với nửa thế kỷ gắn bó từ khi chúng tôi mái đầu còn xanh, nay đã bạc trắng, con cháu đề huề. Nhiều đồng đội của chúng tôi đã lần lượt ra đi. Và, hôm nay tới anh. Bên tai tôi hãy còn nghe giọng nói của anh, một người anh, người lãnh đạo, người đồng chí của tôi suốt hơn 50 năm qua. 

Tuần VN