In trang
Đồng chí Lê Hồng Anh làm việc với Ban Cán sự Đảng VKSND tối cao (Ảnh: TH)

Đồng chí Lê Hồng Anh: Cần xử lý nghiêm cán bộ kiểm sát có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật
Cập nhật lúc : 08:52 10/01/2014

Chiều 30/9, tại Hà Nội, đồng chí Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã có buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao về công tác kiểm sát năm 2014.

Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao và đại diện một số Ban, Bộ, ngành Trung ương.

Trình bày báo cáo,  Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong cho biết: Năm 2014, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, đã khởi tố 65.318 vụ án, tăng 2,2% so với cùng kỳ, ngoài tội xâm phạm sở hữu và tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế tăng, các nhóm tội phạm khác đều giảm.


Thực hiện Chỉ thị công tác năm 2014 của Ngành, trong đó xác định “Tăng cường các biện pháp nhằm chống oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong 9 tháng qua (1/10/2013 đến 31/7/2014), công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã có những chuyển biến tích cực. Trách nhiệm công tố trong giai đoạn điều tra được nâng lên; hoạt động công tố gắn chặt hơn với hoạt động điều tra, góp phần đẩy mạnh tiến độ giải quyết án, hạn chế việc bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tra VKSND tối cao tiếp tục được nâng lên; kiên quyết khởi tố điều tra xử lý những vi phạm pháp luật dẫn đến oan, sai và bỏ lọt tội phạm.

Cùng với đó, công tác kiểm sát hoạt động tư pháp hiệu quả hơn; việc phát hiện, quản lý vi phạm được tăng cường; số lượng, chất lượng các bản kháng nghị, kiến nghị được nâng lên so với cùng kỳ, đã ban hành 10.566 kiến nghị, kháng nghị, tăng 31,2%; tỷ lệ kháng nghị đối với các loại án được Tòa án chấp nhận đạt cao (81%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành kiểm sát còn những hạn chế, thiếu sót như: chưa quản lý chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Việc điều tra, xử lý một số vụ án về tham nhũng, kinh tế chức vụ còn chậm; chất lượng tranh tụng tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; một số địa phương còn để xảy ra oan sai…

Tại buổi làm việc, các ý kiến cơ bản tán thành với báo cáo của VKSND tối cao. Đồng thời, các đại biểu cũng nêu lên một số hạn chế, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của ngành kiểm sát, tập trung vào các vấn đề: nâng cao chất lượng tranh tụng; áp dụng pháp luật của kiểm sát viên; đường lối truy tố, sự phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong công tố và hoạt động điều tra; vị trí vai trò của ngành kiểm sát trong khối tư pháp và hệ thống chính trị; chất lượng nguồn nhân lực… Trên cơ sở đó, các đại biểu kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.

Phát biểu kết luận, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư biểu dương và ghi nhận những kết quả ngành Kiểm sát đã đạt được trong thời gian qua.

Trên cơ sở những kết quả đạt được và những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác từ đầu năm đến nay của ngành Kiểm sát, đồng chí Lê Hồng Anh đề nghị lãnh đạo ngành Kiểm sát cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm để đề ra giải pháp khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót và chỉ đạo toàn ngành thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TH)

 

Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh, trong thời gian tới VKSND các cấp cần nâng cao trách nhiệm, tập trung thực hiện nghiêm túc các văn kiện, nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, nhất là các nội dung liên quan đến nhiệm vụ của Ngành; thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến ngành Kiểm sát. Tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đảm bảo mọi tội phạm được phát hiện đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; kiên quyết chống bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; giải quyết tốt yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; đồng thời kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phải được tôn trọng, bảo vệ.

Đồng thời, ngành Kiểm sát cần tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp trong việc đấu tranh, xử lý kịp thời hơn nữa đối với các vụ án về tham nhũng, chức vụ, kinh tế, nhất là các vụ án trọng điểm, được dư luận xã hội quan tâm; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp.

Cùng với việc đề cao trách nhiệm công tố, đồng chí Lê Hồng Anh cho rằng ngành Kiểm sát cần tăng cường công tác kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm phát hiện các vi phạm trong điều tra, xét xử và thi hành án để kịp thời chấn chỉnh, kiến nghị khắc phục. Đồng thời, phải xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh và trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

“Qua theo dõi tôi thấy thời gian gần đây báo chí có nêu một số cán bộ kiểm sát có hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong khi thực hiện nhiệm vụ. Đề nghị các đồng chí khẩn trương kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm túc đối với những cán bộ vi phạm để làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Ngành, củng cố lòng tin của nhân dân với cơ quan pháp luật”, đồng chí Lê Hồng Anh lưu ý.

 

Theo báo cáo của VKSND tối cao, thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội, trong 9 tháng qua, ngành Kiểm sát đã thực hiện đạt và vượt 4/4 chỉ tiêu cơ bản Nghị quyết số 37 giao. Cụ thể, kiểm sát 100% các vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố. Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,97%, tăng 0,67% so với năm 2013 và vượt chỉ tiêu 9,97%. Tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,75%, tăng 0,05% và vượt chỉ tiêu 4,75%. Tỷ lệ kháng nghị các loại án được Tòa án chấp nhận đạt 81%, vượt chỉ tiêu 11%; Đã ban hành 8.152 kiến nghị, kháng nghị, tăng 40,5%.

Thông qua công tác kiểm sát đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố nhiều vụ án tham nhũng, góp phần nâng cao tỉ lệ phát hiện và chống bỏ lọt tội phạm. Cơ quan điều tra VKSND tối cao tích cực phát hiện, khởi tố điều tra các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp. 

 

 (ĐCSVN)