Tăng cường đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ
Cập nhật lúc : 14:08 07/05/2015
Sáu tháng đầu năm 2015, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước cũng như uy tín của Việt Nam trong hợp tác thương mại quốc tế, ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích, sức khỏe của người tiêu dùng và làm giảm uy tín các thương hiệu của nhà sản xuất đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Các loại mặt hàng chủ yếu được nhập lậu là thuốc lá, rượu, áo quần, vải, giày dép, nước hoa, mỹ phẩm, đồ điện gia dụng, đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất; các mặt hàng bị làm giả như bột giặt, dầu gội giả của nhãn hiệu UNILIVER, sữa tắm giả nhãn hiệu White Care, bột ngọt giả nhãn hiệu Vedan, Ajinomoto,… Phương thức, thủ đoạn nhập lậu mà các đối tượng buôn lậu thường dùng là khoán gọn hàng hóa cho lái xe hoặc thuê vận chuyển đến địa điểm quy định rồi có người nhận hàng ngay, khi bị phát hiện thì không xuất đầu lộ diện; giao hàng vào đêm khuya, ngày nghỉ, ngày lễ; trộn lẫn giữa hàng nhập khẩu hợp pháp với hàng nhậu lậu; chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển,…
Đối với hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ thì thủ đoạn chủ yếu là mua các loại sản phẩm kém chất lượng rồi đựng vào bao bì có nhãn hiệu nổi tiếng hoặc làm giả các mặt hàng có nhãn hiệu nổi tiếng để phân phối, tiêu thụ trên thị trường. Các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả chủ yếu diễn ra trên địa bàn cố định, trên giao thông đường bộ và đang có chiều hướng gia tăng ở tuyến đường sắt.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan thành viên lập kế hoạch, bố trí cán bộ đi sâu, nắm chắc tình hình địa bàn, diễn biến hoạt động của các đối tượng có dấu hiệu vi phạm; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên trong Ban Chỉ đạo như Quản lý thị trường, Hải quan, Sở Khoa học - Công nghệ… để chủ động nắm tình hình, tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý có hiệu quả các vi phạm trong hoạt động kinh doanh, vận chuyển và sản xuất hàng hóa. Sáu tháng qua, đã xử lý 25 vụ làm hàng giả, phạt tiền 78,5 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa, tang vật trị giá khoảng 1,1 tỷ đồng. Nhờ vậy đã góp phần đáng kể vào việc tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng cũng như của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Để công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả cao, góp phần ổn định phát triển thị trường, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm 06 tháng cuối năm như tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, giải pháp của Chính phủ về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; triển khai thực hiện các chương trình hành động của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và của UBND tỉnh; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; phòng, chống vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ và tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng tham gia trên thị trường hiểu rõ tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng,…
Hà Nguyên
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/