BAN NỘI CHÍNH TỈNH ỦY THỪA THIÊN HUẾ SAU HAI NĂM THÀNH LẬP
Cập nhật lúc : 09:39 08/06/2015
Ban Nội chính Tỉnh ủy được thành lập theo Quyết định số 1320-QĐ/TU, ngày 04/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ngay sau khi có quyết định thành lập, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tập thể cán bộ, chuyên viên Ban Nội chính đã tập trung lãnh đạo, phát huy những thuận lợi, khắc phục những khó khăn ban đầu thành lập, làm tốt việc tiếp nhận, sắp xếp, bố trí cán bộ, xây dựng đề án và kiện toàn bộ máy, bảo đảm hợp lý trong điều kiện hiện có; tiến hành thành lập Chi bộ và các tổ chức đoàn thể. Kịp thời xây dựng và ban hành các quy chế làm việc, quy định, quy chế phối hợp công tác, để sớm ổn định và đi vào hoạt động, từng bước tạo được những chuyển biến đáng kể trên tất cả các mặt.
Qua hai năm hoạt động, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã thể hiện rõ vai trò tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng trên địa bàn, nổi bật là tham mưu đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết quốc phòng an ninh hàng năm; nhiều chỉ thị, kế hoạch, chương trình... nhằm cụ thể hóa các văn bản của Trung ương để chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện có hiệu quả về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; đề xuất các vụ việc, vụ án điển hình về nội chính và tham nhũng đưa vào diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo.
Toàn thể cán bộ, chuyên viên Ban Nội chính Tỉnh ủy
Để thực hiện tốt công tác tham mưu, lãnh đạo Ban cùng cán bộ, chuyên viên đã chủ động đi cơ sở, tổ chức nắm tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nội chính, các ban, ngành, cấp ủy địa phương, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập, các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp; tội phạm được kiềm chế, ngăn chặn, không để tội phạm hoạt động có tổ chức theo kiểu băng, nhóm “xã hội đen”; không để hình thành “điểm nóng”; chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn, an ninh nội bộ tư tưởng - văn hóa... góp phần giữ vững ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, Ban đã làm tốt công tác tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết, tổng kết công tác thi hành án; cải cách tư pháp; phòng, chống và kiểm soát ma túy; giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới... Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 5 quy chế và chủ động ban hành 6 chương trình phối hợp giữa Ban Nội chính với các cơ quan nội chính liên quan và các ngành, đơn vị trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng .
Tham mưu Thường trực Tỉnh ủy duy trì tốt giao ban các cơ quan nội chính định kỳ (3 tháng/01 lần) về công tác nội chính, chất lượng và hiệu quả công tác giao ban ngày càng được nâng lên, qua đó kịp thời giúp Ban Thường vụ lãnh đạo, chỉ đạo xử lý có hiệu quả những vụ việc nổi cộm hoặc chưa thống nhất giữa các cơ quan nội chính.
Tích cực tham mưu, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm, đã chủ trì 4 đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cử cán bộ tham gia 13 đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tổ chức 2 đoàn kiểm tra và 3 đoàn giám sát của Ban Nội chính Tỉnh ủy về việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, bảo đảm chất lượng và tiến độ đề ra; chủ trì các đoàn kiểm tra, giám sát, rà soát khác do Thường vụ Tỉnh ủy giao. Nhờ vậy, đã góp phần làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng, kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo theo dõi một số vụ việc, vụ án tham nhũng; đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án về tham nhũng trên địa bàn. Đã tổ chức 2 lớp tập huấn nghiệp vụ về lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng cho cán bộ lãnh đạo và chuyên viên theo dõi công tác nội chính của các đảng bộ trực thuộc, các cơ quan nội chính....
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quân sự, công an, biên phòng thẩm định các báo cáo về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; các dự án kinh tế - xã hội liên quan đến quốc phòng - an ninh. Phối hợp Ban Tổ chức tham gia thẩm định công tác cán bộ hàng năm về nhân sự đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, bổ sung cấp ủy, luân chuyển…thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Ngoài việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Quy định 183-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Nội chính Tỉnh ủy còn thực hiện một số nhiệm vụ khác do Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao như: tham gia Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, Ban Chỉ đạo an toàn thông tin mạng, Ban Chỉ đạo 94, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo, Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ.... Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; duy trì tốt Trang thông tin điện tử, đưa tin, bài phản ánh về hoạt động của công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh hoạt động chuyên môn, Ban Nội chính Tỉnh ủy thường xuyên chú trọng công tác xây dựng cơ quan và các tổ chức đoàn thể vững mạnh; tổ chức tốt các phong trào thi đua nâng cao hiệu quả công tác tham mưu. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động. Nội bộ cơ quan đoàn kết thống nhất, vai trò, vị trí của cơ quan Ban Nội chính Tỉnh ủy từng bước được khẳng định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Ban Nội chính Tỉnh ủy vẫn còn những hạn chế, khó khăn chủ yếu sau:
- Công tác nắm tình hình, tham mưu lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng có mặt còn hạn chế, năng lực tham mưu của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kỹ năng tổng hợp, phân tích, dự báo tình hình và đề xuất giải pháp xử lý trên lĩnh vực an ninh quốc gia như an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn...chưa thật sự kịp thời và hiệu quả.
- Công tác tham mưu và đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, tổ chức thực hiện các qui chế, chương trình công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có lúc còn chậm; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực thực hiện chưa tốt; công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng còn hạn chế.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên bắt nguồn từ nguyên nhân:
- Phạm vi công tác nội chính rộng và phức tạp, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan, nhiều cấp; hệ thống văn bản hướng dẫn cụ thể hóa về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng chưa hoàn thiện và đầy đủ; hệ thống tổ chức bộ máy của Ban Nội chính ở cấp huyện chưa được thành lập.
- Do mới thành lập nên trình độ chuyên môn và kinh nghiệm công tác của cán bộ lãnh đạo, chuyên viên chưa đồng đều, nhiều cán bộ trẻ còn thiếu năng lực và kinh nghiệm thực tiễn trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Trước tình hình đó, nhiệm vụ đặt ra cho Ban Nội chính Tỉnh ủy trong thời gian đến là rất nặng nề. Cần xác định tốt một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng trong thời gian đến như sau:
Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Nội chính Trung ương và của Tỉnh ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, nhất là Qui đinh 183-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nội chính, các đơn vị, địa phương theo dõi, kiểm tra, nắm tình hình, tham mưu kịp thời Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác nội chính và phòng chống tham nhũng trên địa bàn. Trước mắt, cần tập trung tham mưu xây dựng các phương án đảm bảo an ninh chính trị, công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong thời gian diễn ra đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Hai là, chủ động nắm tình hình, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo ngăn chặn các hoạt động phản động, cực đoan lợi dụng tôn giáo, kiên quyết không để hình thành, công khai các tổ chức chính trị đối lập. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình, công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, nhất là trong dịp đại hội đảng các cấp; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện tốt nhiệm vụ sơ, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng
Ba là, thực hiện có hiệu quả các quy chế, chương trình phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các cơ quan, đơn vị. Hướng dẫn, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc nắm tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tập trung vào một số lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao.
Bốn là, chăm lo xây dựng Chi bộ, cơ quan và các tổ chức đoàn thể vững mạnh; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên viên Ban Nội chính Tỉnh ủy thực sự tâm huyết, trách nhiệm với công việc, có năng lực, trình độ và hiểu biết sâu về pháp luật gắn với việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị “về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu về lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.
Bài viết của đ/c Phan Văn Quang - UVTV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
Bản quyền thuộc Thành ủy Huế
Vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép nội dung từ website http://thanhuyhue.vn/