96
+ aa -

Tin tức hoạt động

Cập nhật lúc : 27/06/2025 16:51
Ban Nội chính Thành ủy tích cực tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (PCTNLPTC) luôn được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài, vừa cấp bách, vừa cơ bản. Trong đó, việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp – hay còn gọi là “tham nhũng vặt” – được xem là một trong những nội dung quan trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân vào hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên.
Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức Hội nghị quán triệt các văn bản của Trung ương về PCTNLPTC

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương cũng như Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy Huế đã chủ động, tích cực tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, từng bước xây dựng nền hành chính liêm chính, vì Nhân dân phục vụ. Trong đó, đã chủ động tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng nhiều văn bản về PCTNLPTC như: Các chương trình trọng tâm về PCTNLPTC hằng năm; Kế hoạch 03-KH/TU, ngày 03/02/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị 10-CT/TU, ngày 04/8/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị 19-CT/TU, ngày 16/11/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Kế hoạch số 187-KH/TU, ngày 19/4/2024 về triển khai Chỉ thị 27-CT/TW, ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Kế hoạch Số 192-KH/TU, ngày 25/4/2024 thực hiện Thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về kết quả kiểm tra công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước; Chỉ thị số 59-CT/TU, ngày 11/11/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo an toàn, an ninh trật tự phục vụ đại hội đảng bộ các cấp và đại hội lần thứ XIV của Đảng; Chỉ thị 63-CT/TU, ngày 20/01/2025 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.… Giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình một cách thiết thực, hiệu quả.

 Ngoài ra, đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên chỉ đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTNLPTC, yêu cầu đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng ở đơn vị, địa phương mình; đồng thời, thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đánh giá vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương;  Quy định số 2169-QĐ/TU, ngày 07/10/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (nay là Thành ủy) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Quán triệt sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, hầu hết các đơn vị, địa phương đều ban hành và niêm yết công khai quy tắc ứng xử của cơ quan, đơn vị mình ở vị trí thuận lợi để cán bộ, công chức thực hiện và nhân dân giám sát, bước đầu đã tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như trong việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp cũng đã được quan tâm thực hiện, từ năm 2012 đến nay đã có 666 đơn vị được kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp triển khai thực hiện với 20 trường hợp được phát hiện, xử lý. Chủ động và có nhiều biện pháp cụ thể để nâng cao đạo đức công vụ, kỷ cương, kỷ luật hành chính, xây dựng văn hóa “không phong bì” trong cán bộ, đảng viên.

 

Đồng chí Bí thư Thành ủy tiếp công dân tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền

Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số được chú trọng triển khai, thực hiện quyết liệt. UBND thành phố, các sở, ban, ngành đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ Nhân dân của chính quyền địa phương, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công. Thành quả thúc đẩy cải cách hành chính trên địa bàn thành phố được thể hiện thông qua việc Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) các năm 2021 và 2023 của thành phố Huế lần lượt đạt 48,059 điểm và 46,041 điểm, đứng đầu cả nước về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền trên địa bàn thành phố.

Việc tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho việc đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng hết sức được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm, thúc đẩy phát triển. Kể từ năm 2022, Chỉ số đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp (PCI) của thành phố Huế luôn nằm trong top 10 nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Kết quả này cho thấy, chính quyền thành phố đang rất quyết tâm với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình sử dụng dịch vụ công tại địa phương.

Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, nhất là trong giai đoạn sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị hiện nay; trong thời gian tới, Ban Nội chính Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

 Thứ nhất, Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả các văn bản của Trung ương, của Thành ủy về công tác PCTNLPTC, trong đó tập trung vào các biện pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa, đặc biệt là đối với hành vi "tham nhũng vặt". Tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tác hại của hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng văn hóa “phục vụ Nhân dân”, kiên quyết không thỏa hiệp với tiêu cực trong giải quyết công việc.

Thứ hai, Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, đầu tư, đất đai, xây dựng, tài nguyên – môi trường, y tế, giáo dục… Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm đảm bảo minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thứ ba, Chỉ đạo tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác PCTNLPTC, nhất là ở những lĩnh vực, vị trí công tác dễ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, triển khai kiểm tra, giám sát, thanh tra công vụ, đặc biệt là kiểm tra đột xuất tại các bộ phận “một cửa”, các vị trí trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp; xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm, đồng thời xem xét trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm nhưng không chủ động phát hiện, xử lý.

Thứ tư, Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, tạo chuyển biến thực chất trong công tác phòng, chống nhũng nhiễu, tiêu cực.

Thứ năm, Chỉ đạo phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và Nhân dân trong phát hiện, phản ánh các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tạo cơ chế giám sát xã hội rộng rãi, thực chất và hiệu quả. Kịp thời khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đồng thời bảo vệ người tố giác, người phản ánh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tạo động lực và niềm tin trong toàn xã hội đối với Đảng và Nhà nước.

Hạnh Văn