185
+ aa -

Tin tức hoạt động

Cập nhật lúc : 11/04/2025 15:32
Ban Nội chính Thành ủy Huế chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu Cấp ủy chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Nội chính Trung ương, của Thành ủy mà trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy Huế, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Thành ủy Huế thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác ngày càng được nâng cao, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong công tác tham mưu Cấp ủy chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, cán bộ, chuyên viên Ban Nội chính Thành ủy Huế luôn năng động, tích cực, không kể ngày đêm bám, nắm tình hình tại cơ sở, nhất là những địa bàn trọng điểm, phức tạp để tham mưu Thường trực Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý kịp thời, không để các vụ việc phức tạp lây lan, bùng phát thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự.
Thường trực Thành ủy chỉ đạo xử lý kịp thời, không để các vụ việc phức tạp lây lan, bùng phát thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự

Từ khi tái lập đến nay (từ 15/7/2013), Ban Nội chính Thành ủy Huế đã tham mưu Cấp ủy chỉ đạo xử lý trên 70 vụ, việc liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, quốc phòng; đáng chú ý là các vụ việc lấn chiếm đất công, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép của các hộ dân; các vụ việc di dời, sửa chữa chợ đầu mối trên các địa bàn thuộc quận Phú Xuân, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Lộc; vấn nạn “xe dù”, “bến cóc” trên địa bàn các quận; tình hình hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn Thành phố…v.v.

Bên cạnh đó, Ban Nội chính Thành ủy Huế còn chú trọng nghiên cứu, tham mưu chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp; tham mưu chỉ đạo xử lý, giải quyết các vụ án, vụ việc phức tạp theo quy định gồm 01 vụ án hình sự phức tạp mà dư luận xã hội quan tâm; 01 vụ việc và 02 vụ án xâm phạm an ninh quốc gia… Ngoài ra, Ban Nội chính Thành ủy còn tổ chức theo dõi quá trình giải quyết nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực khác, bảo đảm việc điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, theo đúng quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Trong công tác tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ, việc liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, Ban Nội chính Thành ủy Huế luôn chủ động nắm tình hình nhằm phát hiện từ sớm và tích cực tham mưu Thường trực Thành ủy kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo đối với các vụ việc cụ thể. Ban Nội chính Thành ủy còn chú trọng tổ chức tống kết thực tiễn, nghiên cứu, tham mưu Cấp ủy ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm trên địa bàn thành phố Huế như Chỉ thị 18-CT/TU, ngày 23/8/2017 về tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; Chỉ thị 28-CT/TU, ngày 12/9/2018 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 05/11/2019 về thực hiện Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia; Chỉ thị 21-CT/TU ngày 7/12/2021 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị 41-CT/TU, ngày 06/7/2023 về tiếp tục tăng cường lãnh đạo công tác bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh…v.v.

Ban Nội chính Thành ủy Huế luôn chủ động nắm tình hình, tham mưu Thường trực Thành ủy kịp thời xử lý chỉ đạo đối với các vụ việc 

Đáng chú ý, Ban Nội chính Thành ủy đã tập trung nghiên cứu, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy nhiều giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy ngành, địa phương thực hiện tốt công tác nội chính trong các văn bản đã tham mưu, cụ thể: Báo cáo tình hình an ninh, trật tự tại Khu công nghiệp Phú Bài; Báo cáo tình hình chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển trên địa bàn Thành phố; Báo cáo kinh nghiệm tham mưu cấp ủy chỉ đạo xử lý, giải quyết các vụ việc nổi lên, các vụ việc phức tạp, đông người; Tham luận của Ban Nội chính Thành ủy về kinh nghiệm tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vụ việc khiếu kiện đông người; Tham luận về công tác phối hợp giữa Thành ủy với Ban Nội chính Trung ương và các bộ, ngành chức năng trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vụ việc khiếu kiện đông người… Thông qua việc tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đề ra chủ trương để lãnh đạo, cũng như tích cực tham mưu chỉ đạo giải quyết rốt ráo những vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự; tổ chức đúc rút kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp để triển khai trong thực tiễn nên số vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự những năm gần đây giảm đáng kể, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng ổn định, tạo tiền đề vững chắc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Những kết quả đạt được nêu trên là thành quả của toàn Đảng bộ, các ngành, các cấp, trong đó, Ban Nội chính Thành ủy Huế đã phát huy tốt vai trò trong tham mưu, xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, góp phần giữ vững ổn định địa bàn. Quá trình tham mưu Cấp ủy chỉ đạo xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, Ban Nội chính Thành ủy Huế rút ra một số kinh nghiệm sau:

Trước hết là, phải sớm phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách của nhà nước; những sơ hở thiếu sót trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách nhất là những chủ trương, chính sách liên quan đến quyền lợi của người dân; những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền các cấp và hệ thống chính trị ở cơ sở để đề xuất sửa chữa, củng cố, chấn chỉnh, không để kẻ xấu lợi dụng kích động tụ tập đông người khiếu kiện, biểu tình, gây rối; phải kịp thời nắm cơ sở để phát hiện tình hình, tham mưu cấp ủy chỉ đạo xử lý, khắc phục khi mới manh nha chưa phát sinh thành vụ việc phức tạp.

Hai là, khi xảy ra vụ việc phức tạp, có nguy cơ hình thành “điểm nóng”, cần phải tham mưu cấp ủy chỉ đạo thực hiện theo một quy trình nhất định với các giải pháp linh hoạt. Phải nắm thông tin chính xác về số lượng người tham gia; thành phần, đối tượng tham gia… Họ nêu những kiến nghị, yêu sách gì; những kiến nghị, yêu sách đó do cơ quan nào giải quyết; ai là người cầm đầu… Cần bám sát địa bàn, tổng hợp ý kiến các ngành, các thông tin về mọi diễn biến, từ đó đánh giá đúng nguyên nhân phát sinh vụ việc để báo cáo lên cấp ủy; đồng thời, tham mưu, đề xuất các phương án xử lý.

Các vụ việc xảy ra trên địa bàn thành phố được giải quyết kịp thời 

Ba là, cần tham mưu Cấp ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương hiện các biện pháp sau: (1) Thành lập ban chỉ huy thống nhất và phân công người chỉ huy để phát huy hiệu lực của hệ thống chính trị. (2) Tăng cường công tác tuyên truyền; kiên trì vận động, thuyết phục người dân chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức đối thoại, xem xét, giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của người dân; kết hợp giải pháp đưa cán bộ vào đám đông vận động, lôi kéo những quần chúng tích cực, những người bị động, hùa theo, tách họ khỏi lực lượng cầm đầu quá khích và vận động họ giải tán; định hướng dư luận xã hội để tập hợp lực lượng, cô lập các đối tượng. (3) Phát hiện, cô lập, xử lý những kẻ cầm đầu, xúi giục, kích động; trường hợp bắt giữ kẻ cầm đầu, xúi giục, kích động phải được thực hiện đúng thời điểm, đúng pháp luật và phải giải thích, tuyên truyền cho người dân thấy được việc làm đó là đúng đắn. (4) Chuẩn bị phương án xử lý tình huống xấu nhất có thể xảy ra; đầu tiên giải quyết theo phương án tốt nhất, nếu tình hình vẫn phức tạp có thể chuyển sang phương án thứ hai hoặc thứ ba… để có thể ứng phó kịp thời, không bị rơi vào tình trạng bị động, lúng túng. (5) Cần kết hợp sự kiên định về nguyên tắc với sự mềm dẻo, linh hoạt về biện pháp. Những vụ việc thấy có yếu tố địch thì cần huy động lực lượng để giải quyết; thực hiện theo nguyên tắc “tùy cơ ứng biến”, đồng thời, phát huy tính chủ động theo chức năng, thẩm quyền giải quyết của cấp mình, vừa phải biết tranh thủ ý kiến chỉ đạo của cấp trên. (6) Phải lấy giải pháp tuyên truyền, thuyết phục, thương lượng trước tiên để giải quyết, không được ngay từ đầu lựa chọn giải pháp cưỡng chế, trấn áp. Tuy nhiên, đối với trường hợp lực lượng phản động gây bạo loạn, chống đối chính quyền nhà nước thì trong những trường hợp cụ thể nào đó, có thể dùng lực lượng công an, quân đội dập tắt ngay từ đầu. (7) Trong bất kỳ tình huống nào cũng phải dựa vào dân, cần phải kiên nhẫn, biết tin vào dân ngay cả khi họ ở trong trạng thái giận dữ, có những hành vi xúc phạm đến chúng ta; cần phải tuyên truyền, thuyết phục họ và luôn kiềm chế bản thân, đặc biệt là không được có những hành vi trả đũa tương xứng. Chú trọng phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; đồng thời, tăng cường tổ chức đối thoại giữa chính quyền với nhân dân để từng bước tháo gỡ các vấn đề gây ra sự bức xúc trong nhân dân. (8) Đối với những vụ việc phức tạp có yếu tố tôn giáo, việc giải quyết trực tiếp là ở cấp cơ sở, còn cấp Trung ương và Thành phố thì giải quyết vấn đề liên quan đến đối ngoại. Cần phải có chủ trương nhất quán, giải quyết tuân thủ pháp luật; đồng thời, phải linh hoạt trong các giải pháp nhằm lôi kéo các tôn giáo về phía mình, không được đặt họ về phía đối lập.

Cuối cùng, sau khi người dân đồng tình phương án giải quyết của chính quyền, không còn tụ tập đông người hoặc chấm dứt các hành vi trái pháp luật thì công việc tiếp theo là phải (1) Áp dụng những giải pháp để đưa xã hội trở lại hoạt động ổn định bình thường. (2) Xác định rõ đúng, sai và xử lý đúng mức những người vi phạm. Cần phải xử lý nghiêm minh cả hai phía: cán bộ mắc sai lầm và những người qúa khích vi phạm pháp luật. Trong trường hợp do bọn phản động, kẻ xấu lợi dụng kích động quần chúng thì khi xử lý cần phân tích rõ những hành vi gây rối của họ để cho mọi người thấy rõ đúng sai; mặt khác, cũng phải thừa nhận những mặt còn hạn chế của cán bộ, của thể chế chính sách để kẻ xấu lợi dụng và sửa chữa những khiếm khuyết ấy.

Duy Bình